Bộ VHTT&DL: Hạn chế và loại bỏ đốt vàng mã là cần thiết
Đời sống - Ngày đăng : 19:15, 24/02/2018
Theo đó, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây đã có công văn, trong đó yêu cầu bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Nội dung Công văn 031/CV-HĐTS của Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".
Trước vấn đề này, đại diện Bộ VHTT&DL cho rằng, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự.
Hình minh hoạ
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng. Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng cho rằng, có thể thực hiện việc cấm đốt vàng mã ở một số nơi và quy mô đưa ra như thế nào cho hợp lý, bởi bỏ đi một tục lệ đã ăn sâu vào văn hóa của người dân hàng ngàn đời thì rất khó.
“Trên thực tế cuộc sống cũng khó để thực thi nhưng đây là một kiến nghị nhân văn vì xã hội, vì cộng đồng. Nếu như làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác dân vận thì tôi nghĩ cái gì có lợi cho cuộc sống, có lợi cho dân, thì dân sẽ ủng hộ", Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đưa ra một vài ý kiến băn khoăn, lo ngại việc cấm đốt vàng mã được thực thi sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực, nhất là các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa làng nghề, bởi rất nhiều nơi người dân đang sống bằng nghề làm vàng mã và những đồ thờ cúng.
Về phía quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương cũng ký văn bản số 91 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Trong đó, có yêu cầu các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội đảm bảo việc hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định.
Cũng theo Cục này, hiện tại, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong di tích và lễ hội.
Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ như: tại Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”; Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” (điểm e, khoản 1, Điều 10) và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang” (điểm đ, khoản 3, Điều 10); Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2015 về Qui định về tổ chức lễ hội… |