Ký ức về Đoàn tàu không số trên dòng sông Ray

Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 18/02/2018

Những ngày đầu năm luôn là những ngày có nhiều cảm xúc nhất với ông Lê Hà (SN 1939), bởi đối với người lính thuộc Đoàn tàu không số - Đoàn 125 - Binh chủng Hải quân năm xưa thì mỗi dịp xuân về cũng là lúc ông được sống lại với những ký ức thời binh lửa.

Theo sự chỉ dẫn của ông Lâm Văn Lơ, người quản lý khu vực đài tưởng niệm của Đoàn tàu không số thuộc Đoàn 125 - Binh chủng Hải quân tại bến Lộc An đóng trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi về xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào một ngày đầu năm để tìm gặp ông Lê Hà (SN 1939) - một cựu chiến binh thuộc Đoàn tàu không số - Đoàn 125 - Binh chủng Hải quân năm xưa. Bên ấm trà nồng đượm vị xuân, câu chuyện về thời binh lửa của ông Hà được tãi ra, như một thước phim quay chậm.

Ký ức về Đoàn tàu không số  trên dòng sông Ray

Đài tưởng niệm các chiến sĩ Đoàn tàu không số - Đoàn 125 - Binh chủng Hải quân

Ông Hà kể, ông được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Mười, tức Má Mười, từng là chiến sỹ Đoàn 555, sau này được đổi tên thành đoàn 1500, với nhiệm vụ chính là phối hợp đón tàu và bốc dỡ vũ khí được vận chuyển từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam để phân phát cho mặt trận. Quê ông, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lại là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đã đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, thế nên ngay từ nhỏ, ông Hà đã nuôi chí căm thù giặc. Lớn lên, như bao thanh niên khác, ông Hà tình nguyện nhập ngũ lên đường đi theo tiếng gọi của non sông.

Với vóc dáng to cao, khỏe khoắn, ông được cấp trên cử đi huấn luyện đào tạo cơ bản về thủy địa và cách sử dụng các tàu chiến của quân đội ta. Sau khi hoàn thành xong khóa huấn luyện, ông được điều về Đoàn tàu không số - Đoàn 125 - Binh chủng Hải quân. Nhiệm vụ chính của ông là kiểm tra các thông số kỹ thuật cho tàu, thăm dò và theo dõi các hoạt động của địch với tư thế sẵn sàng chiến đấu, và trực tiếp làm thuyền trưởng tàu 246.

Rạng sáng 5/12/1968, tàu 246 nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương sẵn sàng cơ động vận chuyển vũ khí từ miền Trung vào để tiếp viện cho mặt trận các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong lúc ý chí chiến đấu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đang sôi sục thì ông không may bị địch bắt tại cảng Cam Ranh và bị giam giữ tại trại giam Khánh Hòa.

Tra tấn và thuyết phục mãi vẫn không khai thác được gì, cuối cùng đến tháng 8/1969, địch phải thả tự do cho ông. Tuy được tự do, song nỗi đau cứ quẩn quanh trong tâm trí của ông Hà, khi phải chứng kiến những người đồng đội, đồng chí của mình ngã xuống. Điều đó càng thôi thúc ông quyết đấu tranh giành độc lập cho quê hương.

Rồi trong một lần về thăm gia đình, tình cờ ông Hà gặp được nữ du kích người cùng quê, tên Trần Thị Thìn, người làm công tác giao liên thông tin và hỗ trợ cho bộ đội của Đoàn 1500. Cảm cái khí phách của người lính Đoàn tàu không số, cô đã đem lòng thương yêu ông. Một lễ cưới nhỏ được diễn ra, giữa khói lửa chiến tranh. Ngày hợp hôn, hai người cùng nhau lập lời thề: Quyết chiến đấu vì một miền Nam hoàn toàn giải phóng, vì độc lập của quê hương, đất nước.

Ký ức về Đoàn tàu không số  trên dòng sông Ray

Cựu chiến binh Lê Hà, người lính của Đoàn tàu không số năm xưa

Cưới vợ xong chưa đầy một tháng thì ông Hà lại nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Năm 1970 - 1975 thời kỳ này địch phong tỏa ngày càng nghiêm ngặt. Tháng 6/1970, ông được điều về làm Thuyền trưởng tàu 645 để tổ chức mở tuyến đường vận chuyển mới. Tuyến đường này, các tàu chở vũ khí sẽ đi vòng qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến sâu vào Vịnh Thái Lan rồi bất ngờ chuyển hướng đưa vũ khí vào vùng biển phía Tây Nam Việt Nam. Đây là giai đoạn vận chuyển đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của Đoàn 125 - Binh chủng Hải quân.

Ngày 20/4/1972 con tàu 645 khi chuyển hướng cập bến thì bị địch phát hiện, tấn công. Tàu bị hư hỏng nặng. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hỏa các khối bộc phá cho tàu nổ tung và đã hi sinh anh dũng. Khi đó, Tàu 645 gồm có 18 đồng chí thì 6 đồng chí đã hi sinh, ông Hà và 11 đồng chí đã may mắn sống sót nhưng bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Phú Quốc cho đến năm 1975 thì được trao trả...

Chiến tranh kết thúc, rời quân ngũ, ông Hà trở về địa phương, về với vợ con. Dù trên người mang đầy thương tích, đặc biệt là căn bệnh sốt rét cứ hoành hành, nhưng ông vẫn cố vươn lên, phát huy phẩm chất quý báu của “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông tiếp tục xung phong trên các mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng chính quyền cấp cơ sở.

Giờ, cứ mỗi lần ra nhìn sông Ray, trong lòng người lính hải quân của Đoàn tàu không số năm xưa không khỏi canh cánh, tiếc thương cho những người đồng đội đã ngã xuống vì đất nước. Ông Hà chia sẻ: “Tuổi già thường hay hoài niệm, thường nhớ về những chuyện xưa. Cuộc đời trai trẻ của tôi gắn bó với biển cả, với con tàu 645 và những trận chiến. Mỗi khi nhớ về nó, tôi thường ngắm những kỷ vật năm xưa và ra khu đài tưởng niệm sông Ray thắp nhang cho những đồng đội của tôi đã ngã xuống...”. 

Thanh Bình