Hồi ức của người đẽo thuyền độc mộc trên sông Pô Kô
Đời sống - Ngày đăng : 15:00, 14/02/2018
Quy trình để tạo nên chiếc thuyền độc mộc
Ngày trước, thuyền độc mộc chính là phương tiện đi lại, đánh bắt cá chủ yếu của người dân bên dòng Pô Kô. Già Pênh, một trong những người con của núi rừng có tuổi thơ gắn liền với dòng sông Pô Kô, già tên đầy đủ là Rơ Lan Pênh, sinh năm 1936, một trong số ít người am hiểu và có thâm niên trong việc đẽo thuyền độc mộc.
Anh Huôn đang chèo trên chiếc thuyền độc mộc của ông ngoại
Tuy tuổi già, sức yếu nhưng già Pênh còn khá minh mẫn nên khi gặp gỡ phóng viên nhắc về nghề truyền thống của mình, hiện lên gương mặt già là nỗi niềm hân hoan khó tả. Nhìn về hướng dòng sông Pô Kô, những ký ức ngày xưa của ông như tràn về... Với vẻ mặt tự hào, ông kể cho chúng tôi nghe tỉ mỉ về nghề truyền thống của mình, những điều cần thiết phải có khi làm nên một chiếc thuyền độc mộc tốt và bền.
Để tạo ra một chiếc thuyền độc mộc chắc chắn, sử dụng lâu năm và có hình dáng đẹp, theo kinh nghiệm của già Pênh, già thường chọn loại gỗ cứng, ít thấm nước, chủ yếu là gỗ sao xanh, có chiều dài bằng 3 sải tay, chiều ngang khoảng 50- 70 cm. Khi vào rừng tìm ra cây gỗ, người ta sẽ đánh dấu lại và nhờ dân làng hỗ trợ để đưa cây gỗ về. Sau khi đưa gỗ về làng thì chuẩn bị làm các công đoạn vô cùng công phu, đầu tiên là phải tạo lòng thuyền (còn gọi là grong- công đoạn đục phần bên trong cây gỗ) bằng dụng cụ jong kai, khi đục lòng thuyền người thợ phải chừa lại hai đầu cây gỗ để tạo mui và đuôi thuyền.
Hoàn thành việc đục tạo lòng thuyền (gồm mui thuyền, đuôi thuyền và mạn thuyền, tiếng Ja Rai thường đọc là cọ- sai - glăng) là công đoạn cuối cùng, hơ lửa để tạo độ thăng bằng cho thuyền khi sử dụng. Theo phong tục của người Ja Rai khi chèo thuyền được hoàn thành, chủ thuyền thường chọn một ngày để cúng Yang (trời) và thần sông, thần nước... Lễ vật bày ra gồm một con heo, một con gà và một ghè rượu, cúng xong thì thuyền mới đưa vào sử dụng.
Chèo thuyền đánh giặc và nỗi lo bị thất truyền
Thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện để đi lại và chuyên chở hàng hóa của người dân sông Pô Kô mà còn có giá trị vô cùng to lớn trong việc phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Là người thông thạo cả trong việc đẽo thuyền và chèo thuyền nên trong những năm 1960, già Pênh còn được các cán bộ giao cho nhiệm vụ quan trọng.
Huân chương kháng chiến hạng nhất của ông Pênh
Ông Pênh kể: Ngày đó trong vùng, người biết đẽo thuyền độc mộc chỉ có hai người, đó là ông và chú của mình là ông Puih Cop (đã mất). Vậy nên khi có nhu cầu để phục vụ chiến đấu chống quân thù, ông và chú của mình đã được cán bộ địa phương giao nhiệm vụ quan trọng là trực tiếp chèo thuyền đưa bộ đội (dân làng thường hay gọi bộ đội bằng cái tên thân thương là anh hùng áo xanh) qua dòng suối Ya Ly để tiếp tục chặng đường chiến đấu.
Theo lời kể của già Pênh, việc chèo thuyền của hai chú cháu ông thường thực hiện đều đặn và ròng rã hơn hai năm trời, trong khoảng thời gian từ 18 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Bởi lẽ, không thể qua sông ban ngày vì sợ địch phát hiện ra bộ đội, nên để thực hiện tốt công việc địa phương giao cho, ông và chú của mình phải chia ra thành hai ca trực ban đêm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được.
Vào ban đêm nếu như có bị máy bay quân địch phát hiện, ông Pênh và chú của mình, bằng kinh nghiệm có thể lật úp con thuyền để bộ đội tìm cách thoát thân, hoặc dùng cây lồ ô dài đã chuẩn bị sẵn để bắc dài qua sông cho bộ đội theo đó mà qua được bờ sông bên kia… Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng hiểm nguy có thể ập đến bất cứ lúc nào. Già Pênh trầm ngâm, hai chú cháu ông luôn tâm niệm, có đóng góp được công sức của mình, dù là nhỏ nhoi cho cuộc kháng chiến chống quân thù, nên dù có nguy hiểm cũng cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì những thành tích đó, ông đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Đó là kỷ niệm và hồi ức tốt đẹp, ý nghĩa nhất mà già Pênh luôn trân trọng và giữ gìn trong suốt cuộc đời của mình.
Phóng viên trò chuyện với ông Pênh
Sau thời gian chèo đò chở bộ đội qua sông, ông quay về nằm trong hàng ngũ du kích của địa phương và tiếp tục phục vụ kháng chiến. Chiến tranh kết thúc, khi trở lại đời thường ông vẫn tiếp tục say mê với nghề truyền thống của người Tây Nguyên và ước muốn có thể truyền đạt lại tất cả những gì mình có cho thế hệ sau.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, do nhu cầu của đời sống không nhiều và quá trình hiện đại hóa, nghề truyền thống của ông cũng dần bị mai một. Trong làng cũng còn một số ít người biết đến nghề, nhưng họ không chuyên tâm khiến ông rất buồn và day dứt một nỗi niềm khó tả…Trước nguy cơ ngành nghề truyền thống bị thất truyền, ông mong chính quyền địa phương cần làm mọi cách để giữ được nghề. Bởi, đó là bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên.