Nhiều vấn đề quan trọng được bàn thảo

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012

Ngày 12-3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (CCTPTƯ) đã họp phiên thứ 4. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo CCTPTƯ chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo CCTPTƯ đã đề nghị các đại biểu thảo luận về những nội dung quan trọng của hai đề án: “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố” và “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” để có cơ sở chỉ đạo về việc tiếp tục tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện đề án.


Về đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố” mà đại diện VKSNDTC trình bày, Thường trực Ban Chỉ đạo CCTPTƯ cho rằng, Đề án đã thể hiện được tính mục đích và định hướng của việc nghiên cứu là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm kiến nghị lựa chọn mô hình Viện kiểm sát/Viện công tố phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Về cơ bản, đồng ý với kiến nghị của Ban cán sự Đảng VKSNDTC về việc cần tiếp tục duy trì mô hình VKS như hiện nay nhưng thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của VKS trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.

Toàn cảnh phiên họp

Về mô hình tố tụng hình sự, Đề án đã phân tích, đánh giá khách quan những ưu điểm, hạn chế của mô hình tố tụng hình sự Việt Nam (mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn) và mô hình tố tụng hình sự tranh tụng; xu hướng giao thoa, tiếp nhận các yếu tố tích cực; tiến bộ giữa các mô hình tố tụng hình sự của các nước trên thế giới; xác định mô hình tố tụng hình sự hợp lý trong điều kiện Việt Nam. Thường trực Ban Chỉ đạo CCTPTƯ tán thành với đề nghị của Ban cán sự Đảng VKSNDTC là tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm vốn có của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, tiếp thu chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng nhằm tăng cường chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý.


Hội nghị cũng đã thảo luận Báo cáo về một số ý kiến bước đầu của Thường trực Ban chỉ đạo CCTP về kết quả tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của TAND và VKSND.


Về nhiệm vụ của Tòa án quy định tại Điều 126, Ban cán sự Đảng TANDTC đề nghị sửa lại đoạn: “bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân” bằng đoạn “bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của tập thể và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định pháp luật”.


Nhiều ý kiến tán thành với nội dung đề xuất nêu trên và cho rằng, nhiệm vụ của Tòa án không chỉ bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể mà phải bảo vệ cả lợi ích khác của Nhà nước và của tổ chức. Trong khi đó, khái niệm “tập thể” lại chưa bao hàm được chủ thể là “tổ chức”. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung cụm từ “bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể” bằng cụm từ “bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của tập thể”.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp


Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp xác định rõ định hướng cải cách có tiếp thu tinh hoa của nước ngoài, có nghiên cứu những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới nhưng cũng không thể thoát ly khỏi tình hình thực tế ở Việt Nam. Trên tinh thần đó, trước hết phải xác định thiết chế bộ máy Nhà nước để sao cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đúng với tinh thần chung của Hiến pháp. Việc sửa đổi cũng phải khẳng định được, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, quyền lực của nhân dân, do dân trực tiếp bầu ra. Quốc hội có nhiều chức năng, nhiệm vụ, trong đó có quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao các hoạt động bộ máy nhà nước...


Việc sửa đổi Hiến pháp cũng cần xác định cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Xác định Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, thì Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đúng với ý nghĩa nội hàm của nó. Nội hàm của quyền này bao gồm có 3 ý lớn, đó là: Trừng trị các loại tội phạm, ra phán quyết giải quyết các tranh chấp và giải quyết một số vấn đề pháp lý khác. Các cơ quan khác không có quyền năng này. Nên nếu khẳng định Tòa án là cơ quan tư pháp thì cần phải quy định Viện kiểm sát thành một chương riêng trong Hiến pháp.


Về vấn đề nhiệm kỳ Thẩm phán, Chánh án cũng cho rằng, để Thẩm phán yên tâm công tác thì chế độ bổ nhiệm và nhiệm kỳ Thẩm phán cũng là điều hết sức quan trọng. Nhiều nước theo chế độ bổ nhiệm không thời hạn, có nước có thời hạn nhưng không có nhiệm kỳ 5 năm. Vì vậy, trên tinh thần CCTP, thấy rằng, Thẩm phán cũng là một nghề, là một chức danh, chức danh này được Nhà nước trọng vọng nên để Chủ tịch nước bổ nhiệm nhưng bổ nhiệm một lần…


Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo CCTPTƯ nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình của Viện kiểm sát phải dựa trên cơ sở phù hợp với mô hình của TANDTC, có bước đi và lộ trình cụ thể, không chậm trễ cũng không nóng vội, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng đã đề ra. Về chế độ bổ nhiệm và nhiệm kỳ Thẩm phán, Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm kỳ 5 năm như hiện nay là ngắn. Vì vậy, cần nghiên cứu vấn đề này để quy định trong Luật Tổ chứcTAND sao cho phù hợp.


Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng, các thành viên của Ban chỉ đạo cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, trên cơ sở tiến hành thảo luận những vấn đề đang có ý kiến khác, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, kịp thời phục vụ cho công cuộc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

M.Thoa

congly.com.vn