Người Hà Nội tất bật sắm lễ tiễn ông Công ông Táo
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 07/02/2018
Trong quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, họ lên tâu với Ngọc Hoàng về những việc đã làm trong năm qua và cầu xin may mắn cho một năm mới tới các gia đình dưới hạ giới. Do vậy, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã tấp nập kẻ mua người bán từ nhiều ngày qua.
Phục vụ nhu cầu mua sắm lớn của người dân, các cửa hàng trên phố Hàng Mã đã trưng bày rất nhiều món đồ đặc trưng như mũ, áo, hài làm lễ tiễn ông Táo. Năm nay, các mặt hàng phục vụ Tết ông Công ông Táo được đánh giá là đẹp hơn, đa dạng hơn trong khi mức giá không có nhiều sự biến động so với các năm trước.
Hầu hết đồ lễ cúng Táo quân có nguồn gốc trong nước, được sản xuất tại nhiều làng có nghề vàng mã như Đông Hồ (Bắc Ninh), Phúc Am, Văn Hội (Thường Tín, Hà Nội)
Thông thường một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy có giá khoảng 45.000 đồng - 90.000 đồng tùy từng loại. Giá cả phụ thuộc vào mẫu mã và kích cỡ sản phẩm.
Chẳng hạn, một bộ lễ gồm quần áo, giày, cá chép giấy loại nhỏ có giá khoảng 45.000-55.000 đồng. Loại trung bình giá khoảng 60.000-70.000 đồng. Còn lại loại to đẹp, có nhiều họa tiết và cầu kỳ, giá vào khoảng trên dưới 90.000 đồng.
Đi kèm theo quần, áo, mũ dép, các mặt hàng tiền, vàng kèm theo cũng tăng lên khoảng 1.000-2.000 đồng và dao động quanh mức 8.000-11.000 đồng. Quần áo chúng sinh có giá khoảng 30.000-35.000 đồng cho 100 bộ.
Bên cạnh các đồ vàng mã truyền thống như: Tiền, vàng, sớ, quần áo, mũ, nón, giày, dép... thị trường vàng mã còn rất nhiều mẫu mã tân tiến như: Iphone 6, biệt thự cao tầng, máy bay, ô tô Mercedes, xe SH…
Trong đó, xe ôtô khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chiếc; các loại xe tay ga có giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc; các loại điện thoại tân tiến từ 100.000 - 150.000 đồng/chiếc tùy vào kiểu dáng, kích cỡ khác nhau.
Từ phố Hàng Mã cho đến các sạp hàng bán vàng mã tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, Đồng Xuân, Kim Liên… và cả trên các gánh hàng rong bên đường phố, hoạt động mua bán diễn ra rất nhộn nhịp.
Dạo quanh các chợ truyền thống, hầu hết những mặt hàng dùng để cúng tiễn ông Táo về trời được niêm yết với giá bình dân, người mua không cần mặt cả nên diễn ra rất nhanh mà không gây ra hiện tượng ùn ứ, kẹt xe.
Tết ông Táo năm nay đúng vào thứ 5, vẫn là ngày đi làm nên nhiều gia đình đã sắp xếp công việc để làm lễ tiễn Táo quân về chầu trời sớm hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà cúng tiễn ông Táo trước 23 tháng Chạp để phù hợp với lịch tổ chức tất niên ở cơ quan hoặc với gia đình người thân, bạn bè nên đã bắt đầu cúng sớm chứ không đợi đến đúng ngày mới làm.
Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa Táo quân, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.