Bế mạc Hội thảo tham vấn ý kiến đối với dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)
Tại Hội thảo, các ý kiến góp ý rất sát với thực tiễn, trực tiếp vào các nội dung chính cũng như các điều luật cụ thể và là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Hội thảo tham vấn ý kiến đối với dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) (gọi tắt là dự án Luật) diễn ra cả ngày 25/2 tại Hà Nội, do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Tổ chức Hợp tác kinh tế Thụy Sỹ (SECO).
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) chủ trì Hội thảo; Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh và Trần Hồng Hà đồng chủ trì và điều hành Hội thảo.

Với tinh thần và trách nhiệm cao, Hội thảo tham vấn đối với dự án Luật đã thành công tốt đẹp. Các chuyên gia và đại biểu đã thảo luận và làm việc rất tích cực.
Ban Tổ chức hội thảo đã ghi nhận 19 ý kiến chất lượng của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia quốc tế và trong nước về nội dung của dự thảo Luật.
Các ý kiến tham luận tập trung, đánh giá toàn diện và sâu sắc nội dung xoay quanh chủ để Hội thảo, trong đó, tiêu biểu là: Dự thảo Luật Phá sản Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế liên quan đến khung pháp lý về phá sản; quy định của dự thảo Luật về hỗ trợ vụ việc phá sản của Việt Nam ở nước ngoài và vụ việc phá sản của nước ngoài tại Việt nam; nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giải quyết vụ việc phá sản tại dự thảo Luật - một số khó khăn vướng mắc trong thực thi và kiến nghị…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, vấn đề phá sản là một vấn đề khó, kén người nghiên cứu; những chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu hết sức quý báu đối với TANDTC.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, các tham luận về các vấn đề liên quan cũng như các ý kiến góp ý tâm huyết, rất sát với thực tiễn, trực tiếp vào các nội dung chính cũng như các điều luật cụ thể và là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật.
.jpg)
Với ý nghĩa quan trọng đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp...
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cũng ghi nhận các đại biểu tham gia Hội thảo (cả trực tiếp và trực tuyến) trên phạm vi toàn quốc đã lắng nghe, thảo luận sôi nổi, Tổ Thư ký đã ghi chép đầy đủ các ý kiến góp ý.
Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật đề nghị, thường trực Tổ biên tập - Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, sau Hội thảo, TANDTC sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng thời mong muốn thời gian tới, tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Theo đánh giá chung, xu thế cải cách mạnh mẽ Luật Phá sản trong những năm gần đây đã cho thấy hiệu quả cao trong giải quyết phục hồi, phá sản của các quốc gia thực hiện cải cách và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững. Do vậy, Luật Phá sản năm 2014 cần phải được sửa đổi để cải cách hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết phá sản theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Luật Phá sản (sửa đổi) có bố cục gồm 12 chương với 184 điều; kế thừa những quy định của Luật Phá sản năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.