Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi): Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vụ việc phá sản
Ngày 25/2, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Tổ chức hợp tác kinh tế Thụy Sỹ (SECO) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến góp ý của các chuyên gia về nội dung của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) dự và chủ trì Hội thảo. Cùng dự và điều hành Hội thảo có Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh và Thẩm phán TANDTC Trần Hồng Hà- thành viên Ban soạn thảo.

Dự Hội thảo có đại diện Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương; đại diện một số đơn vị thuộc TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND địa phương; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập...
Về phía các chuyên gia có bà Nina P. Mocheva và ông Reinhard Dammann chuyên gia cao cấp của Nhóm Ngân hàng thế giới; đại diện các tổ chức quốc tế và trong nước, cùng đại diện một số cơ sở đào tạo, quản tài viên...

Luật Phá sản năm 2014 bộc lộ một số hạn chế, bất cập
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) cho biết, Luật Phá sản năm 2014 là đạo luật quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho nền kinh tế thị trường theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.
Luật Phá sản năm 2014 đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn, với việc quy định tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; bổ sung chế định Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; bổ sung thủ tục giải quyết phá sản rút gọn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, chi phí phá sản… Từ đó, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trải qua 10 năm đi vào thực tiễn, Luật Phá sản năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: Thiếu cơ chế hiệu quả cho việc phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, thời gian giải quyết một vụ việc phá sản kéo dài làm giảm cơ hội phục hồi; vai trò và trách nhiệm của Quản tài viên cũng như tiêu chuẩn bổ nhiệm, việc quản lý, giám sát Quản tài viên còn có nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cơ chế này tham gia giải quyết vụ việc phá sản.
Ngoài ra, Luật chưa quy định về thủ tục rút gọn để phục hồi hoặc thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có tính chất đặc thù như quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ. Đồng thời, chưa quy định việc sử dụng phương thức điện tử để giải quyết vụ việc phá sản. Bên cạnh đó, việc giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài còn chưa cụ thể, thực tiễn thi hành còn nhiều vướng mắc, chưa có quy định về hỗ trợ vụ việc phá sản của nước ngoài.

Tạo ra khung pháp lý rõ ràng cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo nhằm cung cấp thêm thông tin để đánh giá tính tương thích của các quy định mới của dự thảo Luật với thông lệ quốc tế, tính hiệu quả, khả thi của những quy định mới, cụ thể hóa giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ việc phá sản; đồng thời lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia quốc tế và trong nước về nội dung của dự thảo Luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính về phạm vi điều chỉnh và những chính sách lớn của dự án Luật; góp ý các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật và một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau.

Khuyến nghị và góp ý vào nội dung dự thảo Luật với những vấn đề về phục hồi hoạt động kinh doanh của bên nợ sắp phá sản, sử dụng ADR hòa giải trong thủ tục phá sản, thủ tục đặc biệt DNVVN & SN, xây dựng năng lực cho Tòa án và quản tài viên và quy định phá sản xuyên biên giới, bà Nina P. Mocheva, Chuyên gia cao cấp của Nhóm Ngân hàng Thế giới khẳng định, các vụ việc phá sản rất là phức tạp và cho rằng việc thành lập Tòa chuyên biệt về giải quyết các vụ việc phá sản là một trong những khía cạnh rất quan trọng.
Bà Nina P. Mocheva cho rằng, ngoài kỹ năng chuyên môn, kiến thức pháp luật mà các Thẩm phán xét xử các vụ việc này còn phải hiểu rõ về nội dung thương mại, kế toán để đánh giá các nội hàm kế hoạch phục hồi, hoạt động kinh doanh và khả năng đọc các báo cáo tài chính… Với nội dung thành lập Tòa chuyên biệt đã được vào dự thảo của Luật, bà Nina P. Mocheva mong điều khoản đó được thi hành khi Luật này được ban hành.

Đóng góp vào nội dung của dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Ban Pháp chế VCCI cho rằng, thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2014 cho thấy đã bộc lộ nhiều bất cập, từ điều kiện áp dụng thủ tục phá sản, trình tự thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đến khả năng thực thi trong thực tế. Những hạn chế này không chỉ khiến quá trình xử lý phá sản kéo dài mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc lựa chọn phương án tối ưu khi gặp khó khăn tài chính.
"Dự thảo Luật lần này được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, tạo ra khung pháp lý rõ ràng hơn cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, người lao động và các bên liên quan, đồng thời thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh", bà Nguyễn Thị Diệu Hằng nói.

Mục tiêu và chính sách chung của Luật: Xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên bố phá sản và thanh lý kịp thời những doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng phục hồi. Giải quyết vụ việc phá sản hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phạm vi điều chỉnh và những chính sách lớn của dự án Luật Phá sản (sửa đổi), gồm: (1) Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (2) Xây dựng thủ tục phục hồi rút gọn, thủ tục phá sản rút gọn; (3) Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; (4) Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; (5) Hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục những vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế.