Chỉ thị 35/CT-TTg và Nghị định 168/2024/NĐ-CP: Đảm bảo sự an toàn, bình yên của người tham gia giao thông
Tính hiệu quả, thiết thực của Chỉ thị 35 và Nghị định 168 của Chính phủ đã nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông. Từ đó cho thấy sự tin tưởng của người dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bởi mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn, bình yên của người tham gia giao thông.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao. Tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, người điều khiển phương tiện trong máu có nồng độ cồn vẫn còn diễn ra.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT ở nước ta. Ước tính có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến việc sử dụng rượu bia.
Hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc, mang lại nhiều nỗi đau cho người tham gia giao thông, bị hại, gia đình bị hại và cho chính người điều khiển phương tiện.
Để giảm thiểu các vụ TNGT do rượu bia gây ra, thời gian qua, các cấp, các ngành luôn tập trung quán triệt, giáo dục, tuyên truyền với nhiều hình thức thiết thực, bám sát thực tế.
LQua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông, làm cho hoạt động giao thông văn minh và an toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức, LLVT thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Đơn cử như trường hợp một cựu cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Chư Prông, Gia Lai đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành cáo trạng truy tố bị can về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" do lái xe trong tình trạng say xỉn, có nồng độ cồn ở mức cao gây tai nạn chết người.
Hay như trường hợp một cán bộ huyện say rượu lái xe tông chết người ở Thanh Hóa đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vào ngày 04/01/2024…
.jpg)
Để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ, công chức, viên chức, các LLVT trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong LLVT vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Tiếp đó, ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/ NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, Nghị định 168 được đánh giá là một trong những nghị định đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.
Ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người dân được nâng lên, số người chết, bị thương do TNGT đã giảm đáng kể.
Cụ thể, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến rất tích cực, TNGT giảm sâu hai con số trên cả 3 tiêu chí (giảm 258 vụ = 36,69%; giảm 128 người chết = 37,61%; giảm 232 người bị thương = 38,34% so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024).
Bên cạnh đó, ý thức và hành vi tham gia giao thông đã chuyển biến rất tích cực và rõ rệt. Nhiều lỗi vi phạm đã giảm mạnh so với thời gian trước liền kề, điến hình như: Tổng số trường hợp bị xử phạt do vi phạm giảm 12,8%; vi phạm về nồng độ cồn giảm 13%; vi phạm về tốc độ giảm 2,1; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông giảm 36,7%; vi phạm về mũ bảo hiểm giảm 23,8%; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông giảm 31,5%...
Với vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của lực lượng vũ trang (LLVT) trong việc chấp hành Luật TTATGT đường bộ, cũng như các quy định khác của pháp luật trong xã hội, sau khi Chỉ thị 35 và Nghị định 168 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã tập trung quán triệt, giáo dục, tuyên truyền tới 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu qua nhiều hình thức, sát với từng đối tượng, như: Giao ban, Hội nghị, qua các đợt rút kinh nghiệm quản lý kỷ luật trong toàn Quân khu; tuyên truyền cổ động bằng hình thức trực quan sinh động, qua hệ thống phát thanh nội bộ…

Đồng thời, Quân khu 4 đã cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị số 35/CT-TTg và Nghị định 168/2024/ NĐ-CP vào các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các cấp; phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các hình thức tuyên truyền như: Phiên tòa giả định; Ngày hội văn hóa giao thông; Hội nghị hiệp đồng tuyên truyền giữa Cục Chính trị với Báo Công lý, Công an tỉnh để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT…
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Quân khu và chỉ huy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, quản lý bộ đội; tổ chức kiểm soát quân sự, thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Quân khu 4 đã ban hành quy định cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối không tổ chức uống rượu bia trong quá trình trực; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp quân nhân vi phạm.
Nhờ đó, ý thức chấp hành giao thông của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 có nhiều chuyển biến tích cực, đơn vị bảo đảm an toàn. Đáng chú ý, Bộ Tổng Tham mưu biểu dương và chỉ đạo nhân rộng toàn quân hoạt động này.

Phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Việc đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông, nhất là khi đã uống rượu, bia, cũng như thái độ hành vi ứng xử khi bị xử lý vi phạm; đồng thời, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng ý thức văn hóa trong tham gia giao thông cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân với phương châm “Đã uống rượu bia không lái xe”, xây dựng cơ quan, đơn vị và địa bàn an toàn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay sáng tạo, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ ưu thế của nền tảng số và mạng xã hội; từ đó, rút ra kinh nghiệm, nhân rộng ở các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu.
Có thể nói, tính hiệu quả, thiết thực của Chỉ thị số 35/CT-TTg và Nghị định 168/2024/ NĐ-CP của Chính phủ, cùng với những quy định chặt chẽ của pháp luật, việc nâng cao ý thức của người dân, sự tin tưởng của người dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ là chìa khóa quan trọng để các chính sách phát huy hiệu quả trên thực tiễn.