Thông điệp mạnh mẽ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhân ngày Quốc khánh 2/9
Chính trị - Ngày đăng : 11:06, 02/09/2016
Phát triển đất nước cần thấm nhuần tư tưởng của Bác
Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 47 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là 47 năm thực hiện Di chúc của Người, sáng 1/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Tổng Bí thư chỉ rõ: Học Bác trước hết là học tư tưởng của Người - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” - đó là lý tưởng của Bác, là hệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã để lại một di sản tư tưởng quý báu, đó là định hướng con đường đi lên cho cách mạng nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên tại đây và đưa ra thông điệp: Học Bác trước hết là học tư tưởng của Người - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng. Trong Di chúc của mình, Bác cũng chỉ rõ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, trước hết là trong Đảng, trong thanh niên, phải bồi dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Tổng Bí thư cũng lưu ý: Không chỉ học mà phải làm theo, quan trọng là học để làm theo. Bác đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh. Nội dung mới của Chỉ thị 05-CT/TW là xác định việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thường xuyên, liên tục, không hình thức, có những việc không chỉ học mà phải làm ngay. Hiểu về Bác phải hiểu toàn diện, học Bác không phải là học lý thuyết mà phải làm; không chỉ làm từng đợt, từng việc mà phải làm thường xuyên, liên tục.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong bài viết “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước yêu cầu mới” được viết nhân dịp 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đã chỉ rõ, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gay gắt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận làm xói mòn lòng tin của nhân dân, trở thành thách thức đối với mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Từ đó, Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc trong tư tưởng và thực hiện nhất quán trong hành động của từng cán bộ, đảng viên quan điểm mấu chốt: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt của tất cả các cấp, các ngành là tập hợp, động viên được mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài không ngừng đoàn kết, nỗ lực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt của tất cả các cấp, các ngành là tập hợp, động viên được mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài không ngừng đoàn kết, nỗ lực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ trên thực tế và thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân. Sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống. Sứ mệnh của Đảng và của cả hệ thống chính trị là phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao tầm trí tuệ, sức chiến đấu để tập hợp các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh vững chắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân
Chủ trì tiệc chiêu đãi các vị Đại sứ, Đại diện, Trưởng đại diện các tổ chức tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, 71 năm qua, nhân dân Việt Nam đã kiên cường vượt khó khăn, thử thách để giữ vững độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất Tổ quốc; nỗ lực thực hiện Đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay như: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh..., nhân dân Việt Nam tiếp tục chung sức đồng lòng, tranh thủ thời cơ vận hội, huy động mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020.
Thủ tướng đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân
Trên tinh thần đó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện những đột phá về cơ chế, chính sách và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Huy động mọi nguồn lực, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Phát huy dân chủ đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Quyết tâm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong hoạt động đối ngoại, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các quốc gia, bạn bè trên thế giới; cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết; làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống; đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, ủng hộ giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.