Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn với Triển lãm Một hành trình
Sáng nay (ngày 22/02/2025), tại Sann - The house of Art (Nhà trưng bày triển lãm thành phố), 92 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM đã diễn ra buổi Triển lãm kỷ niệm 30 năm chuyên nghiệp của Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Khi còn là sinh viên (những năm 1994-1995), Bùi Tiến Tuấn đã bắt đầu sáng tác. Đến nay, xem lại những tác phẩm thời kỳ này, vẫn thấy được ý hướng thẩm mỹ mà anh đã theo đuổi, khám phá suốt 30 năm qua. Vì vậy mà, triển lãm song hành và nhìn lại lần này mới có tên là “Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình”.

Từ cuối thập niên 1 của thế kỷ 21, thế hệ Bùi Tiến Tuấn (chỉ vài người thôi) đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm hơi cũ kĩ, nặng lối mòn tuyên truyền, ngay trong trường mỹ thuật cũng hơi bị xem nhẹ. Quan trọng hơn, là do thiếu nhân tố sáng tác mới, đủ hấp lực, để thu hút tầm quan tâm của cộng đồng mỹ thuật.

Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, với dấu ấn khá riêng biệt, nên tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với chỉ riêng tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.
Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.

Nói về tranh của Bùi Tiến Tuấn, Giám tuyển Lý Đợi cho biết: “Nhìn lại hơn 90 năm của hành trình tranh lụa Việt Nam, thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường.
Những phụ nữ của cả hai như chiếm trọn không gian của cả bức tranh, đôi khi lấn lướt, thay thế mọi sự, mọi vật. Nếu so với cấu trúc phổ biến kiểu thiên-địa-nhân của một bức tranh lụa truyền thống (trừ tranh thờ, tranh vẽ vua quan), thì Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, đôi khi không cần thiên hoặc địa...

Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang hơn, tân kỳ hơn, tạo được sự phá cách”.
Còn Họa sĩ Đức Hòa nhận xét: “Bùi Tiến Tuấn đã trở thành một trong những tên tuổi sáng giá của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam đương đại.
Khác biệt và độc đáo ở chỗ nếu đa số họa sĩ chuyên lụa vẽ nhân vật nữ đứng yên hoặc nằm yên, lặng lẽ và kiều diễm thì Tuấn vẽ nhân vật rất chịu biến hóa, ngả nghiêng và bay lượn thỏa thuê theo các đường hướng táo bạo đầy lãng mạn, tạo hình nhân vật theo chủ kiến của tác giả, có cả “bóp hình” và “buông”, cả “co” và “duỗi”, cả “phình to” và ép gọn thành một nét sắc lẹm hay một điểm nhấn, không chịu bó buộc của sự thật theo mắt nhìn… Với tôi, đó là NGHỆ THUẬT”.

Không chỉ Họa sĩ Đức Hòa mà Họa sĩ Lương Lưu Biên cũng dành cho Bùi Tiến Tuấn những lời khen: “Ở thời điểm hiện nay, lụa của Bùi Tiến Tuấn đã khẳng định mình để trở thành một đại diện tiêu biểu của hội họa đương đại miền Nam, sau hơn hai mươi năm say sưa với chất liệu này.
Trước thời điểm đó, lụa chưa được coi trọng như vậy trong các chất liệu tạo hình, với việc sáng tác và giảng dạy của mình, anh đã góp phần như một trong vài họa sĩ quan trọng mang lại cuộc phục hưng cho lụa, một chất liệu dịu dàng, thanh thoát, gần gũi với tính cách Việt cũng như tinh thần phương Đông.
Bùi Tiến Tuấn có lối tạo hình sang trọng, lả lơi, phủ phiếm. Những form dáng được cách điệu, chắt lọc đến đơn giản mà gợi cảm, cộng với những tìm tòi bố cục luôn mới lạ và độc đáo, tất cả mang đến sự cân bằng cho tác phẩm, vừa dịu dàng, mềm mại lại vừa chắc khỏe, hiện đại.
Những tác phẩm lụa của anh mong manh, trong trẻo, đôi khi táo bạo một cách hồn nhiên. Sinh ra ở Hội an, một phố thị du lịch nhộn nhịp, đa âm sắc, đa văn hóa, anh đã tiếp thu, cọ xát và gạn lọc được cho mình một tinh thần hội họa vừa truyền thống vừa đương đại… Bùi Tiến Tuấn với xuất thân, tính cách lãng mạn, đa tài của mình đã cùng với lụa gắn thành một thể hết sức đồng điệu và ăn ý. Tất cả làm nên một họa sĩ với một sự nghiệp nghệ thuật bền bĩ, sang trọng và lịch lãm trong dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam”.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cũng khẳng định: “Có một đô thị ẩn giấu trong tranh của Bùi Tiến Tuấn, một đô thị mà ta không nhìn thấy nhà cửa hay ánh đèn, nhưng lại cảm nhận được nhịp sống của nó qua từng nhân vật.
Phụ nữ trong tranh của anh là hiện thân của đô thị ấy: họ vừa đẹp đẽ, quyến rũ, lại vừa mang một chút gì đó xa cách và mơ hồ. Không còn là những dáng hình e ấp, khép nép, phụ nữ trong tranh anh xuất hiện với sự tự tin, những ánh nhìn xa xăm nhưng đầy kiểm soát, và rất nhiều tư thế gợi cảm nhưng không dung tục. Họ tô son, họ kẻ lại mi mắt, họ chìm trong những khoảnh khắc rất riêng tư nhưng lại để cho người xem một cảm giác như đang đứng ngoài khung cửa sổ, dõi theo một bí mật nào đó.
Cái tài tình của Bùi Tiến Tuấn nằm ở việc anh không "gói gọn" người phụ nữ trong bất kỳ một định nghĩa nào. Họ vừa hiện thực, vừa siêu thực. Có lúc họ như bước ra từ một giấc mơ, lúc khác lại mang dáng dấp của những người bạn gái, người vợ, người tình, thậm chí những cô gái trong quán bar mà ta đã từng gặp đâu đó.
Anh tôn vinh vẻ đẹp của họ, nhưng cũng để lại khoảng trống đủ lớn để người xem tự lấp đầy những suy tưởng của mình. Nhưng không thể không nhận thấy một sự phản kháng âm thầm của những gương mặt phụ nữ ấy, những “gái hư” của thời hiện đại trong tất cả cái vẻ xa cách và thách thức của họ”.