Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 19:45, 21/02/2025

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam được xây dựng và ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển…

Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều nay (21/2), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam (Nghị quyết).

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTC khu vực và quốc tế

TTTC là một "hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định", là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và có các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa.

Xây dựng TTTC là việc hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù, khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, kết nối với các TTTC quốc tế.

Hiện nay trên thế giới có 121 TTTC và đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành các TTTC hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển. Nhu cầu về một TTTC mới, khác biệt với những TTTC hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các TTTC quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới... đang cấp thiết. Trong đó, khả năng hình thành TTTC mới ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay đang ngày càng bộc lộ rõ nét.

Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành TTTC, có khả năng liên kết với các TTTC trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm "đặc thù" cho TTTC ở Việt Nam.

Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTC khu vực và quốc tế, đó là nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế "riêng có và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các TTTC trên thế giới.

Năm 2022, Việt Nam có TPHCM được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các TTTC toàn cầu tại Báo cáo GFCI 31 với thứ hạng là 102/120; tại Báo cáo GFCI 35 (tháng 3/2024), TPHCM xếp thứ hạng 108/121 và tại Báo cáo GFCI 36 (tháng 9/2024), xếp thứ hạng 105/121.

Năm 2023, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá là một trong 3 nền kinh tế sáng tạo dẫn đầu trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp; một trong 7 quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua; năm 2024, được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 và là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.

Việc xây dựng, hình thành TTTC khu vực, quốc tế thành công sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa. Đồng thời, việc xây dựng, vận hành và phát triển TTTC khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta xây dựng dự thảo Nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát. Phải làm rõ được nội hàm của từng nhóm chính sách mà chúng ta đang dự kiến xây dựng. Phải có đánh giá cụ thể những tác động của chính sách trong đối với nền kinh tế" - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Huy động hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam trên quan điểm bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTC tại Việt Nam; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước.

Nghị quyết của Quốc hội quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách phát triển TTTC và giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể. Các chính sách áp dụng cho TTTC phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hoà với cam kết quốc tế; bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết, đặc biệt là vị thế, uy tín và an ninh tài chính quốc gia.

Phát triển TTTC tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực TTTC, đối tượng tham gia được xác định theo tiêu chí rõ ràng, với chính sách ưu đãi vượt trội để cho phép Việt Nam: Thử nghiệm có kiểm soát các chính sách đặc thù nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu; phân quyền, phân cấp cho cơ quan quản lý TTTC và cải cách thủ tục hành chính tối đa có thể; tập trung quản lý, giám sát dựa trên rủi ro; đánh giá tác động đối với các chính sách phát triển TTTC phù hợp với điều kiện trong nước theo từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.

Đồng thời bảo đảm cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; cần dự báo và có thể phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và đi kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp để tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, gắn lợi ích kinh tế các đối tác, các nước lớn; qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh "phi truyền thống"; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam và các chính sách đặc thù áp dụng tại TTTC. Nghị quyết này áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thành lập và hoạt động của TTTC.

Về nguyên tắc, chính sách thành lập và hoạt động của TTTC, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại TTTC.

Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích lựa chọn, thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển TTTC. Các giao dịch, hoạt động tại TTTC được thực hiện bằng tiếng Anh, hoặc bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Các cơ quan quản lý TTTC được tổ chức tinh gọn, có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các quy định tại của Nghị quyết này khác với các quy định của luật, nghị quyết, pháp lệnh khác thì thực hiện theo quy định tại của Nghị quyết này, trừ trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau Nghị quyết.

Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để "có một dự thảo Nghị quyết hoàn hảo nhất có thể", trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian đặt ra - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Bảo đảm có một dự thảo Nghị quyết hoàn hảo nhất có thể

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam, cũng như hoan nghênh, các bộ, ngành chức năng và các địa phương liên quan đã nỗ lực, phối hợp hiệu quả trong xây dựng dự thảo Nghị quyết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết được xây dựng nhằm hình thành cơ sở pháp lý giải quyết 3 vấn đề lớn, đó là: Tạo lập các quy định về tổ chức bộ máy; quy định về chính sách cho TTTC, nhất là quy định về xuất nhập cảnh, lao động, chính sách tiền tệ, thuế; xây dựng quy định của Nhà nước về quản lý các trung tâm, cụ thể là trách nhiệm quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng là như thế nào và trách nhiệm của các thành phố có các TTTC là như thế nào.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, đây là vấn đề mới, vì vậy Nghị quyết tập trung quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, chính sách khung, nhưng cũng cần phải cụ thể nhất có thể, còn các nội dung quy định chi tiết thì các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phát triển các TTTC khu vực và quốc tế để tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định riêng và các văn bản dưới nghị định để quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các yêu cầu đặt ra về phát triển các TTTC.

"Chúng ta xây dựng dự thảo Nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát. Phải làm rõ được nội hàm của từng nhóm chính sách mà chúng ta đang dự kiến xây dựng. Phải có đánh giá cụ thể những tác động của chính sách trong đối với nền kinh tế".

Về thời gian trình Quốc hội, việc xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết được thực hiện theo quy trình tại 1 kỳ họp, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.

Đối với 2 thành phố thụ hưởng là TPHCM và Đà Nẵng, cần tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng cho sự vận hành của các các TTTC.

Trên tinh thần tiếp tục tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế cũng như những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để chúng ta "có một dự thảo Nghị quyết hoàn hảo nhất có thể", trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian đặt ra.