Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm kéo giảm tai nạn giao thông
Được đánh giá cao về nỗ lực kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông tốt trong những năm gần đây, WHO đã mời và bày tỏ mong muốn các đại diện Việt Nam phát biểu, truyền đạt kinh nghiệm tại Hội nghị toàn cầu về an toàn giao thông đường bộ lần thứ 4.
Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần thứ 4 về An toàn giao thông đường bộ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ sở An toàn đường bộ toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức vừa diễn ra từ ngày 18-20/02 tại Marrakech, Morocco.
.jpg)
Đây là hội nghị về an toàn giao thông lớn nhất toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng chủ trì là Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về An toàn đường bộ được tổ chức tại lục địa châu Phi, tập trung vào Châu Phi.
Diễn ra 5 năm một lần, hội nghị nhằm cung cấp nền tảng thông tin để các đại biểu đánh giá tiến độ, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất và giải quyết những thách thức chung trong việc thúc đẩy Kế hoạch toàn cầu cho Thập kỷ Hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2021-2030.
Với chủ đề “Cam kết vì cuộc sống”, hội nghị lần này có 1.500 đại biểu, bao gồm các bộ trưởng, quan chức cấp cao của các cơ quan Liên hợp quốc, người đứng đầu cơ quan an toàn giao thông các nước... tham gia đánh giá tiến độ, xác định các ưu tiên, chia sẻ kiến thức, xây dựng liên minh và thúc đẩy các cam kết nhằm ngăn ngừa tử vong và thương tích trên các tuyến đường bộ trên thế giới.
Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm quản lý an toàn đường bộ, xu hướng mới nổi về giao thông, tài chính, khu vực tư nhân, dữ liệu về thương tích giao thông đường bộ, mối liên hệ với các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan khác.
Việt Nam là một trong những nước được đánh giá cao về nỗ lực kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông tốt trong những năm gần đây.
Do vậy, WHO đã mời và bày tỏ mong muốn các đại diện Việt Nam phát biểu, truyền đạt kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp về kiềm chế, kéo tai nạn giao thông tại các phiên thảo luận chính của hội nghị.
Các phiên thảo luận của phái đoàn Việt Nam gồm phiên họp cấp bộ trưởng, phiên họp chuyên đề và phiên họp cam kết về các mục tiêu thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2021-2030.
Nhận lời mời của WHO, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tham dự Cuộc họp toàn cầu lần thứ ba của Lãnh đạo cơ quan an toàn đường bộ Quốc gia và Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần thứ 4 về An toàn giao thông đường bộ.

Tại hội nghị, ông Lê Kim Thành đã chia sẻ các giải pháp thành công của Việt Nam đối với xe máy, đặc biệt là chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi xe máy từ năm 2007.
Ông Thành cũng tham gia phiên thảo luận chuyên đề về “An toàn giao thông xe hai bánh và ba bánh chạy bằng động cơ” với vai trò diễn giả nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà Việt Nam đang tổ chức triển khai hiệu quả; được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và được đại biểu một số quốc gia quan tâm, đề nghị chia sẻ kinh nghiệm thêm.
An toàn giao thông là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu cấp bách và có thể phòng ngừa được. Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,2 triệu người mỗi năm - khoảng 3200 người mỗi ngày - và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-29 tuổi.
Tuy nhiên, số ca tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu đang giảm nhẹ. Hơn một nửa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc báo cáo số ca tử vong giảm trong những năm gần đây và 10 quốc gia đã giảm một nửa số ca tử vong trong 10 năm, cho thấy khả năng giảm 50%.