Những ngôi làng độc đáo thu hút du khách tại Hà Giang
Với vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá, Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh tự nhiên mà còn sở hữu nhiều ngôi làng cổ độc đáo, thu hút khách du lịch. Mỗi làng mang một vẻ đẹp riêng, phản ánh văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Làng Lô Lô Chải

Nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú chỉ tầm 1km, làng Lô Lô Chải là nơi sinh sống của tộc người Mông lẫn người Lô Lô qua nhiều thập kỷ.
Làng Lô Lô Chải là nơi lưu giữ được nhiều giá trị về văn hóa, vật chất và tinh thần của các dân tộc vùng cao nơi đây. Dạo quanh một vòng làng Lô Lô Chải, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc nhà trình tường đặc trưng thường thấy ở cao nguyên đá Hà Giang.

Các mái nhà lợp ngói máng nằm san sát nhau tạo nên khung cảnh bình dị, yên ả. Không chỉ vậy, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như làm mộc, thêu thùa... cùng những lễ hội trứ danh như Lễ cúng Thần Rừng, lễ mừng lúa, mừng nhà mới...
Hiện nay, chính quyền địa phương và người dân đã cùng phối hợp làm du lịch thu hút nhiều du khách tới thăm.
Làng cổ Má Lé

Nằm cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 10km, làng cổ Ma Lé là một trong những những ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Được bao bọc bởi những dãy núi đá tai mèo, làng Ma Lé nổi bật với những nếp nhà trình tường bằng đất, mái lợp ngói âm dương - một kiến trúc độc đáo của người Giáy.

Làng cổ Ma Lé là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Giáy, thể hiện qua trang phục, lễ hội và ẩm thực. Đặc biệt người phụ nữ dân tộc Giáy trong làng rất khéo tay.
Khi xong mùa vụ sản xuất chính trong năm, khi nhàn rỗi họ tự thiết kế và khâu những bộ áo, váy truyền thống rất đặc trưng của dân tộc, đó là bộ áo dài màu đen váy xanh, gắn với dây lưng màu đỏ hoặc màu xanh và tự khâu được những đôi dày vải với những nét hoa văn rất sặc sỡ, với hình chim, cánh hoa, cánh phượng uốn lượn, đủ màu sắc, tượng trưng cho phụ nữ dân tộc Giáy.

Bên cạnh đó, làng Má Lé còn nổi tiếng với vẻ đẹp của hoa tam giác mạch vào mùa thu.
Không chỉ là nơi cư trú của người Giáy, Ma Lé còn là "kho tàng" văn hóa đặc sắc, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu. Ngày nay, làng cổ Ma Lé trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của vùng cao nguyên đá.
Làng Thèn Pả

Nằm ngay dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, xã Lũng Cú (Đồng Văn) làng Mông Thèn Pả còn giữ được hầu như nguyên vẹn nhiều nét truyền thống của người Mông như nếp sinh hoạt, nhà trình tường với mái ngói âm dương… Ngôi làng hàng trăm năm nay nằm lặng lẽ bên cạnh hồ mắt Rồng, trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích sự bình yên, gạt bỏ mọi xô bồ, lo toan của cuộc sống.
Thèn Pả sở hữu vẻ đẹp riêng vào các mùa trong năm. Mùa xuân, sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa lê phủ lên triền núi, đường làng, trong vườn của người dân những mảng màu tươi sáng. Mùa hè là mùa của những nương ngô xanh mướt, ngắm hồ Mắt Rồng nước trong vắt. Đến mùa thu, những thửa ruộng bậc thang lúa chín tạo nên khung cảnh mùa vàng đầy chất thơ. Bước vào mùa đông, bản làng chìm trong sương mù vào sáng sớm.

Làng nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, thuận lợi cho du khách trải nghiệm ngắm bình minh nơi địa đầu Tổ quốc.
Đứng ở trên đỉnh núi Rồng phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng Thèn Ván phía bên trái và thượng nguồn con sông Nho Quế phía bên phải.
Làng Lao Xa

Lao Xa là một bản làng nhỏ bé, xinh đẹp và yên tĩnh của hơn 100 hộ người Mông thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.
Giữa mênh mang núi rừng của cao nguyên đá Hà Giang, làng cổ Lao Xa hiện lên như một bức tranh thủy mặc với những mái nhà đá rêu phong nằm ẩn mình dưới tán mây trời.
Bản hiện còn nhiều ngôi nhà lợp ngói âm dương với kiến trúc ba gian, xung quanh có hàng rào và tường đá, trong sân trồng đào, mận tới mùa xuân hoa nở rất lãng mạn. Mỗi ngôi nhà truyền thống như vậy giống một tổ hợp kiến trúc khép kín bốn hướng, giữa là sân vườn, cửa gỗ thấp và bao quanh là tường đá.

Mùa xuân, dưới ánh nắng chan hòa trải khắp miền đá, Lao Xa càng trở nên xinh đẹp, vẻ đẹp trong veo, thuần khiết, tự nhiên của hoa đào hồng thắm, hoa lê, hoa mận trắng tinh khôi, hoa cải vàng rực rỡ.
Nhờ có vẻ đẹp bình yên, trữ tình cùng nhiều trải nghiệm thiên nhiên độc đáo, Lao Xa đang ngày càng được nhiều du khách ghé thăm.
Bản Xà Phìn

Xà Phìn là một bản vùng cao thuộc xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nằm nép mình dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Đây là nơi cư trú chủ yếu của người Dao, một dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc sắc và phong tục truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nơi đây có không khí mát mẻ, trong lành đặc trưng của vùng núi cao cùng với nét đẹp bình yên, hoang sơ mà ít nơi nào có được.

Bản Xà Phìn vẫn giữ được những nét truyền thống độc đáo với những ngôi nhà sàn lợp mái cọ, nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Khung cảnh nơi đây giống như một bức tranh hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đặc biệt vào mùa lúa chín, khi cả thung lũng ngập tràn sắc vàng rực rỡ.
Nằm ngay dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh với độ cao 2.427m - ngọn núi được mệnh danh là “nóc nhà” của Đông Bắc, Xà Phìn sở hữu những điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển các loại cây đặc trưng, trong đó nổi bật nhất là chè Shan tuyết. Loại chè quý này đã trở thành biểu tượng văn hóa của vùng đất nơi đây.

Đến với Xà Phìn mùa hoa chè nở bạn sẽ được ngắm nhìn những bông hoa trắng muốt, nhỏ xinh, e ấp trên những cành lá xanh, tạo nên một khung cảnh lãng mạn giữa núi rừng bao la.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi
.jpg)
Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pí Lèng, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ tựa như bông hoa rực rỡ với cảnh sắc thơ mộng ở nơi địa đầu tổ quốc. Làng là nơi sinh sống của 26 hộ dân tộc người Mông với không gian đậm đà bản sắc văn hóa.
Chính thức được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016, hiện nay, làng chính là một trong những quần thể đa trải nghiệm, nghỉ dưỡng và bảo tồn kiến trúc truyền thống văn hóa người Mông đầy thú vị tại nơi địa đầu tổ quốc. Làng sở hữu một loạt những homestay được thiết kế đa phong cách với kiến trúc mô phỏng hình hoa đào - loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá.

Đến với Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, bạn sẽ như được lạc bước giữa không gian đậm đà bản sắc của người Mông với những nếp nhà trình tường truyền thống với ngói âm dương cùng hàng rào đá, vách đá nâu đặc trưng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những trái ngô được phơi trên xà nhà với những người dân thật thà, chân chất đang khoác lên mình những bộ váy áo thổ cẩm được may tinh tế đang cần cù lao động.
Hiện nay, mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng đã trở thành "thỏi nam châm" thu hút mọi người đến với Hà Giang.
Làng nghề dệt lanh Lùng Tám

Làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám thuộc xã Lùng Tám, Quản Bạ, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông. Ngôi làng cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50km, nằm nép mình bên dưới núi đôi Quản Bạ. Đây làng dệt thủ công nổi tiếng nhất tại Tây Bắc.
Đối với người Mông sinh sống nơi cổng trời Quản Bạ - Hà Giang, sợi lanh là sợi kết nối với thế giới tâm linh và nguồn cội.

Năm 2001, khi mô hình hợp tác xã dệt lanh tại đây ra đời, ban đầu chỉ có 10 người sau phát triển đến hơn 100 nhân khẩu, sản xuất đa dạng sản phẩm như vải may mặc, quần áo, túi xách tay, khăn, gối, ví các loại… được dệt, thêu từ chất liệu cây lanh địa phương với những nét hoa văn truyền thống.
Đặt chân đến làng dệt lanh Lùng Tám, du khách bắt gặp những vị chủ nhà người dân tộc Mông diện trên mình những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu.

Vải lanh của làng Lùng Tám không chỉ được biến tấu thành nhiều sản phẩm khác nhau như váy, túi xách, khăn choàng mà còn được sử dụng để trang trí tại các khách sạn, nhà hàng và làm quà lưu niệm cho du khách.
Các ngôi làng ở vùng biên giới không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi để khám phá văn hóa, lịch sử và thiên nhiên tuyệt đẹp. Mỗi ngôi làng mang lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo và không thể nào quên.