Không được chuyển Văn phòng Công chứng loại hình công ty hợp danh thành doanh nghiệp tư nhân?
Bộ Tư pháp đề xuất cho phép chuyển đổi Văn phòng Công chứng (VPCC) theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thành VPCC theo loại hình công ty hợp danh mà không cho phép chuyển đổi ngược lại.
![van-phong-cong-chung.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/15/van-phong-cong-chung.jpg)
Liên quan đến nội dung Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng, Bộ Tư pháp cho biết: Về danh mục đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, dự thảo Nghị định đưa ra đề xuất một số tiêu chí sau:
Mật độ dân số thấp (theo số liệu năm 2023, mật độ dân số thấp có thể lấy con số khoảng từ 200 người/km2 trở xuống); Có cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển (Diện tích rộng nhưng địa bàn phức tạp, hệ thống đường xá chưa phát triển, số lượng phương tiện giao thông còn ít...); Khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh (số lượng giao dịch dân sự ít, quy mô và giá trị giao dịch nhỏ, không bảo đảm lượng việc nếu thành lập VPCC có từ 02 công chứng viên trở lên).
Trên cơ sở các tiêu chí này, hiện có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khoảng 280 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đối tượng được thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Cũng theo Bộ Tư pháp, về việc chuyển đổi loại hình VPCC tại các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp có quy định về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nhưng Luật chỉ quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty hợp danh nhưng không có quy định về việc chuyển đổi công ty hợp danh thành doanh nghiệp tư nhân.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 3 của Luật Doanh nghiệp thì chỉ luật khác có thể quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp khác với Luật Doanh nghiệp, còn văn bản dưới luật thì không thể quy định đặc thù này.
Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, dự thảo Nghị định quy định theo hướng cho phép chuyển đổi VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thành VPCC theo loại hình công ty hợp danh mà không cho phép chuyển đổi ngược lại để vừa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, vừa nhất quán với định hướng phát triển các VPCC quy mô lớn, ổn định, bền vững.
Trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đề xuất quy định, ngoài chính sách ưu đãi về thuế, VPCC thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn có thể được thuê trụ sở với giá ưu đãi, được cho mượn trụ sở, hỗ trợ về trang thiết bị, phương tiện làm việc trong 03 (ba) năm đầu hoạt động. UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cụ thể các biện pháp hỗ trợ và các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình.