Bão số 16 gây tang tóc ở Philippines, Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp
Đời sống - Ngày đăng : 20:03, 24/12/2017
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; các Bộ, ngành cùng lãnh đạo các địa phương Nam Bộ ở các điểm cầu trực tuyến.
Bão Tembin là một cơn bão có cường độ rất mạnh, đạt cấp thảm hoạ. Khi đổ bộ vào Philippines, hồi 6h ngày 23/12 giờ Việt Nam, thiệt hại do bão gây ra rất lớn với gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích.
Hiện nay, bão số 16 (bão Tembin) đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều ngày 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm ngày 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau- Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11. Rủi ro thiên tai cấp 4.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay bão 16 Tembin cách đảo Trường Sa Lớn 120km về phía Đông, sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15. Sóng biển cao 10m. Theo dự báo của các trung tâm trên thế giới, khi đi qua đảo Trường Sa, bão Tembin sẽ suy yếu dần, đổ bộ trực tiếp vào Nam Bộ với sức gió mạnh cấp 9-10. Côn Đảo cấp 11 giật cấp 14. Thời gian đổ bộ vào đêm 25, sáng 26/12.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương: Bão đang đi vào quần đảo Trường Sa, 3-4 tiếng nữa sẽ có số liệu chính xác hơn về cấu trúc cường độ cơn bão. Bão hướng vào vùng biển các tỉnh Nam Bộ, khi đến Côn Đảo sẽ suy yếu thành cấp 11, giật cấp 14. Sóng biển cao 5-7m.
“Chiều mai 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp từ Vũng Tàu đến Cà Mau. Sau đó đi vào đất liền, bão giữ nguyên cấp khi đến Cà Mau, Kiên Giang, với cấp 8-10, giật cấp 13, sau đó sang Thái Lan mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới”, ông Cường cho biết.
“Hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh ngày 26/12 sẽ khiến Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa mưa đến ngày 28/12, lượng mưa 300- 400mm, nguy cơ lũ, sạt lở rất cao. Đây là cơn bão đặc biệt, kỷ lục số bão trong năm. Trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào mạnh cấp 12 ảnh hưởng đến khu vực phía Nam như vậy”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đây là cơn bão mạnh, trái quy luật, đổ bộ vào cuối năm, tốc độ di chuyển nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông, biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông. Cùng với đó, ông đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 huy động máy bay trực thăng bay dọc ven biển, hải đảo, khu vực cửa sông để kêu gọi người dân, tàu thuyền di dời đến nơi an toàn.
Vùng biển có nhiều đảo với số lượng dân cư sinh sống khá lớn, trong đó có nhiều khách du lịch, nơi có nhiều tàu thuyền trú tránh khi bão xảy ra. Có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, nhất là giàn khoan, nhà giàn. Đặc biệt, khu vực bão đổ bộ ít khi có bão lớn, dân ít có kinh nghiệm ứng phó bão, thậm chí một số nơi có tư tưởng chủ quan.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin về dự báo và cảnh báo bão cho các thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Nhấn mạnh bão số 16 nằm trong cấp thảm hoạ, có thể gây thiệt hại rất lớn. Do đó, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 16, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão không được chủ quan, sơ xuất trong chỉ đạo ứng phó.
Tất cả các địa phương và người dân, theo dõi sát thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến người dân không được chủ quan. Yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn trung ương theo dõi sát diễn biến cơn bão, với tất cả khả năng, kịp thời thông báo đến các cấp ngành, địa phương. Các địa phương có biện pháp cần thiết di dời dân đến nơi an toàn, cần thiết phải cưỡng chế di dời; huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa.