Chính trị

Quy định mới về bậc, tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 15/02/2025 - 09:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị, các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm có: Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1; Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2; Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 67/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân.

Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm 3 bậc

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị, các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm có: Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1; Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2; Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.

ta2.jpg
Trụ sở TANDTC.

Nghị quyết cũng quy định điều kiện của Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1. Cụ thể, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Người được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện) hoặc Tòa án quân sự khu vực; Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này; có năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Người được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Phó Chánh án Tòa án quân sự khu vực.

Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hoặc Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Người có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân lần đầu; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hoặc Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; có năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Chánh án Tòa án quân sự khu vực; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hoặc Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Người được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Tòa án quân sự trung ương; Người có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân lần đầu; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Tòa án quân sự trung ương; Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; có năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hoặc Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Tòa án quân sự trung ương; Người được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương; Người được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân và đang đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao và năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định điều kiện nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 lên Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2; Nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 lên Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3; Nguyên tắc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân và thẩm quyền quyết định nâng bậc, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân.

Chi tiết số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán

Về số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, theo Nghị quyết, tổng số Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân các cấp là 7.004 người.

Số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân của các Tòa án nhân dân như sau:

Tòa án nhân dân tối cao có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.

Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao là 50 người, trong đó tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 không quá 40%, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 không quá 30%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1;

Tòa án nhân dân cấp cao có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3, số lượng là 170 người;

Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.

Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là 1.235 người, trong đó tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 không quá 30%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2;

Tòa án nhân dân cấp huyện có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 và Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2.

Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân cấp huyện là 5.549 người, trong đó tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 không quá 30%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1.

Đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân của các Tòa án quân sự là 129 người. Số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân của các Tòa án quân sự như sau:

Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3, số lượng là 15 người;

Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.

Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án quân sự quân khu và tương đương là 54 người, trong đó tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 không quá 30%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2;

Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2.

Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án quân sự khu vực là 60 người, trong đó tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 không quá 30%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định các điều khoản chuyển tiếp

Duy Tuấn - Hữu Tuấn