Sớm triển khai các quyết sách để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nếu Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai sớm các quyết sách của Quốc hội, sẽ tạo tiền đề để huy động tối đa nguồn lực phát triển đất nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chưa có năm nào Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương như năm nay. Việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là chủ trương lớn của Đảng, đòi hỏi Quốc hội phải bàn các giải pháp để từ đó Chính phủ có cơ sở điều hành, các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm lớn thì mới đạt được là tăng trưởng 8% trở lên.
![ct1.jpeg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/14/ct1.jpeg)
Muốn đạt được mục tiêu này, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân. Bởi lẽ, trong tổng mức đầu tư toàn xã hội thì đầu tư tư nhân chiếm 55%. "Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chứ không phải là đầu tư công", Chủ tịch Quốc hội nói.
Để phát triển đầu tư tư nhân, quan trọng nhất là phải cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm thấy rằng Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ...
![ct3.jpeg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/14/ct3.jpeg)
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Khóa XV đã tập trung tháo gỡ cơ bản các khó khăn, vướng mắc về thể chế do Chính phủ đề xuất, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ Bảy, Kỳ họp thứ Tám và Kỳ họp bất thường lần thứ Chín này. Dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lẽ ra là có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng Quốc hội đã quyết định điều chỉnh có hiệu lực sớm hơn, từ 1/8/2024, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây cũng chính là cũng là tiền đề để Chính phủ điều hành tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024, để cả năm tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, lần đầu tiên thu ngân sách đạt hơn 2 triệu tỷ đồng.
Thủ tục phải thông thoáng, cởi mở
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đến nay, Quốc hội đã tháo gỡ hầu hết các khó khăn như sửa đổi Luật Đầu tư công, ban hành 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về tài chính. phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Chính phủ, các địa phương. Kỳ họp này cũng tập trung tháo gỡ một số cơ chế, chính sách. “Nếu Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai sớm các quyết sách của Quốc hội thì đây cũng là một tiền đề để huy động tối đa nguồn lực phát triển đất nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên".
Để triển khai thực hiện Đề án, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, phải tập trung ở cả Trung ương và địa phương. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phân cấp mạnh cho Chính phủ, địa phương trong ban hành các chính sách, Quốc hội chỉ ban hành luật khung, Chính phủ ban hành nghị định, Bộ ban hành thông tư.
![vt4.jpeg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/14/vt4.jpeg)
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải mạnh dạn trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó, thủ tục đầu tư phải thông thoáng, cởi mở. Khi điều kiện, cơ chế thông thoáng thì sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân đầu tư.
Lưu ý 2025 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ phải cải cách thể chế pháp luật, còn cải cách về thủ tục như thế nào thì Chính phủ sẽ hướng dẫn. Đơn cử như Kỳ này, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì Quốc hội cũng quy định khung, còn hướng dẫn thủ tục như thế nào, bao nhiêu ngày, bao nhiêu thủ tục thì do Chính phủ ban hành.
“Nghị quyết cũng không nêu số tiền là bao nhiêu, mà giao hàng năm do Chính phủ cân đối. Như vậy mới là cơ chế, là nghị quyết của Quốc hội cho thông thoáng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vừa qua chủ trương của Đảng đã rất rõ, Quốc hội ban hành luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành nghị định, thông tư. "Quan trọng là chúng ta phải quyết tâm triển khai. Làm khó đến đâu thì tháo gỡ đến đó, tắc đến đâu thì thông đến đó. Bây giờ nhiều địa phương chưa làm đã kêu khó, nhưng có những địa phương không kêu khó, làm rất hiệu quả, phát triển rất nhanh, vượt bậc. Do đó, chúng ta cũng phải xem lại khâu triển khai, khâu tổ chức thực hiện".