Không được sử dụng nhà ở chung cư làm trụ sở phòng công chứng?
Đề xuất không được sử dụng nhà chung cư có mục đích ở để làm trụ sở phòng công chứng là một trong những nội dung được nêu trong Dự thảo Tờ trình của Bộ Tư pháp về Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng.
![luat-cong-chung-1.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/13/luat-cong-chung-1.jpg)
Theo Bộ Tư pháp, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP sau 9 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại trong quá trình triển khai. Cụ thể, quy định về chuyển đổi phòng công chứng (PCC) thành văn phòng công chứng (VPCC) còn chưa phù hợp, mang tính định tính chung chung nên gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình chuyển đổi dẫn đến kết quả chuyển đổi tại nhiều địa phương còn hạn chế (các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... chưa chuyển đổi được PCC nào), tại các địa phương đã chuyển đổi PCC thì cách thức thực hiện cũng rất khác nhau, có địa phương thì thực hiện đúng yêu cầu không chuyển đổi được thì mới giải thể PCC, có địa phương thì lại tiến hành giải thể ngay mà không đặt vấn đề chuyển đổi PCC.
Đối với trụ sở của PCC, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện về diện tích làm việc tối thiểu của công chứng viên (CCV), diện tích tối thiểu về kho lưu trữ, chỗ để xe, không được sử dụng nhà chung cư có mục đích để ở để làm trụ sở PCC... (Điều 8), đồng thời quy định rõ trường hợp các PCC không đáp ứng các điều kiện này trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thì bị giải thể để phù hợp với quy định tại khoản 14 Điều 76 của Luật Công chứng.
Theo Bộ Tư pháp, để quy định chi tiết các vấn đề về chuyển đổi, giải thể PCC, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các nội dung sau đây:
Quy định về chuyển đổi PCC thành VPCC: Vấn đề này đã được quy định tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và đã được triển khai thực hiện trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP về vấn đề này còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp về xác định giá quyền nhận chuyển đổi PCC (quy định giá quyền nhận chuyển đổi được xác định trên cơ đánh giá về tổ chức và hoạt động, uy tín của PCC dự kiến chuyển đổi, số lượng hợp đồng, giao dịch đã công chứng của PCC trong 03 năm gần nhất), phương thức chuyển đổi PCC (đặt vấn đề đấu giá quyền nhận chuyển đổi)....
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi PCC, dự thảo Nghị định dự kiến kế thừa quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP về việc chuyển giao quyền nhận chuyển đổi PCC cho chính các CCV của PCC; bỏ quy định về phương thức đấu giá quyền nhận chuyển đổi PCC và quy định về xác định giá quyền nhận chuyển đổi PCC (Điều 11, Điều 12).
Về quyền lợi của CCV, viên chức khác, người lao động của PCC được chuyển đổi và việc xử lý tài sản của PCC được chuyển đổi, dự thảo Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu sang quy định pháp luật có liên quan, như pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, pháp luật lao động, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công (Điều 14, Điều 15).
Quy định về lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi PCC, giải thể các PCC: Đây là vấn đề mới được Luật Công chứng năm 2024 giao Chính phủ quy định. Việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi PCC thành VPCC là cần thiết, tất yếu và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công chứng, sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của các Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sau Ban chấp hành trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, để có thể hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể 108 PCC hiện có thì sẽ có hàng loạt vấn đề cần giải quyết liên quan đến xử lý tài sản nhà nước, giải quyết chế độ chính sách cho viên chức, người lao động, việc thống kê, bàn giao lượng lớn hồ sơ công chứng.... Do vậy, dự thảo Nghị định quy định việc chuyển đổi PCC được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các PCC chậm nhất là ngày 31/12/2030 (khoản 3 Điều 9). Như vậy, các địa phương sẽ có khoảng thời gian tối đa là 5 năm 6 tháng để hoàn thành nhiệm vụ này.
Về giải thể PCC (Điều 16): Dự thảo Nghị định quy định 04 trường hợp giải thể PCC để bảo đảm đúng nguyên tắc không có khả năng chuyển đổi thì giải thể PCC theo quy định của Luật Công chứng. Trình tự, thủ tục giải thể thì được dẫn chiếu về quy định của Luật Công chứng. Việc xử lý tài sản của PCC được chuyển đổi thì thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành.