Ngược Đà Giang, thăm vùng đất cuối trời Tây Bắc
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 21/12/2017
Xưa kia, Mường Tè - vùng đất cuối trời Tây Bắc – nổi tiếng xa xôi, khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Giờ đây, với những công trình giao thông được Nhà nước đầu tư thỏa đáng, miền địa đầu biên giới này đã gần lại với đồng bào cả nước. Để rồi từ đó vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ của vùng non nước biên thùy ấy đã làm say lòng biết bao khách thượng sơn.
Bộ đội biên phòng giúp đồng bào dựng nhà
Ngậm ngùi người Xá Lá Vàng
Nơi núi cao, sông dài Mường Tè (Lai Châu) cũng là quê hương của những tộc người vùng cao đã bao đời sống du canh, du cư như thân gỗ mục trôi trên sông vắng. Vùng lõm của huyện Mường Tè với Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Bum Tở, Nậm Khao, Khồ Ma… là những khu vực lưu trú biệt lập của người La Hủ. Theo quan niệm của đồng bào, La Hủ có nghĩa là con hổ và họ tự đặt cho mình cái tên đó như một tên gọi chính thức. Ngoài ra, cũng còn một số cách gọi khác như Xá Lá Vàng, Xá Quỷ, Khù Xung… Với dân số chưa đầy 10.000 người, dân tộc này hiện đang đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi, điều kiện kinh tế chậm phát triển và dần mai một những bản sắc văn hóa truyền thống vốn có. Nhưng cũng chính nơi đây, cộng đồng cả nước đã chung tay làm nên những cuộc hành trình đưa tộc người La Hủ dần trở về với cuộc sống no ấm và yên ổn. Có thể nói, đó là hành trình của con người tìm đến với con người.
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, cách đây gần 200 năm, người La Hủ từ phương bắc đã di cư đến Mường Tè và bắt đầu canh tác trên những mẫu ruộng bậc thang do người Hà Nhì bỏ hoang thuộc vùng đất Pa Ủ. Nhưng rồi chỉ sau vài vụ ngô, họ lại kéo nhau đi nơi khác phát trỉa nương, dựng lán làm nhà. Khi những mái lá trên căn nhà của người La Hủ vàng đi thì cũng là lúc cả xóm bản kéo nhau tìm nơi ở mới. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân mà họ được gọi bằng cái tên Xá Lá Vàng, nghe hết sức ngậm ngùi?!
Phụ nữ La Hủ rạng rỡ trong trang phục truyền thống (Ảnh MH )
Xưa kia, cuộc sống của người La Hủ chìm lút trong đói nghèo và hủ tục. Nỗi lo về miếng cơm manh áo truyền từ đời nọ đến đời kia như cái đuôi ma quái của núi rừng. Nơi ở của đồng bào phần lớn là những ngôi nhà trệt, tạm bợ, bưng vách bằng phên nứa và cây rừng. Trong nhà, vật giá trị nhất có lẽ chỉ là dăm cái nồi méo mó, vài cái bát vỡ và những bộ quần áo rách nát, tạm bợ không đủ sưởi ấm cho người giữa rừng dày sương lạnh. Có thể nói, với những chiếc lều lợp lá ở tạm bợ để rồi chuyển đi khi lá lợp đã vàng của những ngày du canh nương rẫy trên núi cao xa xưa, đã làm cho người La Hủ không có một kiến trúc nhà truyền thống. Những ngôi nhà của đồng bào La Hủ nơi đây thực chất là những kiểu nhà vay mượn của hầu hết các dân tộc anh em sống chung quanh.
Do thói quen du canh, du cư nên hầu như người La Hủ sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Không chỉ luôn đói ăn, thiếu mặc, không biết nói tiếng phổ thông, thậm chí họ còn sợ cả nơi phong quang, sợ cả ánh mặt trời. Một năm, người La Hủ chỉ có thể tự đảm bảo lương thực cho gia đình mình trong vài tháng, những tháng còn lại đành phó mặc cho việc hái lượm hoa trái, đào củ và đánh bẫy, săn bắt con thú trong rừng.
Gian nan công cuộc hạ sơn
Ngay cả những năm đầu mới được Bộ đội Biên phòng phối kết hợp với chính quyền vận động định canh, định cư, người La Hủ vẫn rất khó buông bỏ tập tục sống của mình. Mặc dù Đảng bộ và chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương chính sách chăm lo phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn diện, bền vững cho người dân với nhiều chương trình đầu tư cơ bản. Nhưng do đại bộ phận gia đình La Hủ đã quen lối sống dựa dẫm vào rừng, lại thêm nạn nghiện hút, rượu chè cũng góp phần làm cho các bản làng La Hủ càng trở nên tiêu điều xơ xác. Người La Hủ tự gọi mình là “Ngừ sô Hả” - có nghĩa là người khổ. Câu nói ấy cứ vọng vào núi và rừng mà không có lời đáp trả.
Nhưng đó đã là câu chuyện của ngày hôm qua, còn giờ đây, dưới chân ngọn núi Pù Tả Tòng, những dân của bản Nhóm Pố vốn chỉ quen sống dưới mái lá, phương thức lao động chủ yếu là: chặt, đốt, cốt, trỉa đã biết trồng cây ngô, cây đậu, nuôi con bò để bữa ăn thêm no, đêm ngủ thêm ấm. Ngày xưa, làm nương rẫy, người La Hủ chỉ dùng bắp ngô, thi thoảng có những mùa gạo nếp.
“Từ ngày được Bộ đội biên phòng hướng dẫn làm ruộng bậc thang, bà con tự mình cấy lúa, trồng thêm hoa màu và biết giữ giống cho vụ sau. Bưng bát cơm mới dẻo thơm, bà con càng thêm thấm cái ơn sâu của Đảng và cái nghĩa lớn của những người lính biên phòng. Giờ bà con ở đây cũng đã biết bảo nhau tự bảo vệ nguồn lợi từ rừng, không săn bắn, chặt phá tận diệt nữa rồi. Vì cán bộ bảo phải giữ rừng, để rừng còn che chở cho dân tộc La Hủ và các dân tộc anh em khác”, ông Lí Mí Sử, trưởng bản Nhóm Pố, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, hồ hởi chia sẻ.
Khi cái đói tạm xa, Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang nơi đây lại đặt ra cho mình một mục tiêu mới là làm thế nào để ngôi nhà của người La Hủ không còn những mái lá vàng tạm bợ, giúp cho bà con có được một những mái ấm vững chãi để đi về. Có như vậy, bà con sẽ không còn nghĩ tới chuyện dắt díu nhau di cư vào rừng sâu núi thẳm. Từ đó, những xóm bản La Hủ bỗng rộn ràng bước chân của hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ BĐBP Lai Châu cõng từng gùi đinh ốc, tấm tôn, dao búa… lên để dựng nhà cho bà con.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của nhân dân cả nước, những người lính biên phòng đã tạo ra bộ mặt mới cho các bản La Hủ bằng những ngôi nhà đại đoàn kết. Nhà được lợp bằng tôn mạ mầu loại tốt, vách được thưng bằng tôn, trong nhà có treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng cùng nhiều vật dụng gia đình có giá trị như chăn, màn, nồi xoong, phích nước… giúp các gia đình ở Hà Xi nâng cao chất lượng cuộc sống một cách rõ nét.
Hồi sinh nơi phên giậu
Cũng chính vì đời sống vật chất được cải thiện như vậy nên mấy năm gần đây, đời sống về văn hóa, tinh thần của người La Hủ cũng phần nào được cải thiện, các giá trị truyền thống cũng dần được bảo tồn. Chị Lò Thị Thanh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu, chia sẻ: “Từ xa xưa, trong khi trang phục của người đàn ông La Hủ khá giản tiện thì trang phục của phụ nữ La Hủ có phần cầu kì hơn. Họ không có truyền thống trồng bông vải mà thường đổi sản vật mình tìm được để lấy vải của dân tộc khác về may áo. Ủ kín mình trong chiếc áo dài đen có tên gọi là “phơ cơ dỡ”, những người phụ nữ La Hủ dù lam lũ vẫn khoe được nét đẹp của mình”.
Một góc Pa Ủ
Thường ngày, phụ nữ La Hủ chỉ mặc áo dài, vào những dịp đặc biệt mới mặc thêm áo ngắn. Đặc biệt, ống tay áo phía ngoài được may ngược với những viền vải hoa các loại, với dải vải nhỏ thêu tay, tạo nét đường diềm viền hai mép. Một chiếc áo đẹp là ở cách trang trí những đường diềm tỉ mỉ chạy dọc theo tà và thân áo nổi bật lên trên nền vải đen với ba màu chỉ: đen, đỏ, vàng. Trên thân áo ngoài được cài khuy giữa ngực, trang trí những dải hoa văn hình con bướm với những hàng xu bạc cùng những bông hoa chỉ đỏ sặc sỡ, tạo nên một nét duyên khá đằm thắm cho những nụ cười sơn cước.
Cũng trong những ngày sống giữa đồng bào La Hủ, khi ngang qua sông Đà, chúng tôi vẳng nghe đâu đây tiếng khoan nhặt, nửa như lời gió thổi qua tre trúc, nửa như tiếng hát ai. Âm giai ấy đưa chúng tôi đến với những người phụ nữ của dân tộc này đang đang hội họp bên sông. Lời ca như một tâm sự thiết tha trao gửi về một tình yêu say đắm. Người hát, vẫn say sưa hát. Người nghe, cứ đắm đuối nghe. Lời bài hát La Hủ chủ yếu theo tiếng Hà Nhì nhưng có một nhịp điệu và âm vận riêng. Những người phụ nữ La Hủ miền biên cương một đời gieo neo vất vả với sương gió in hằn trên gương mặt đôi tay, giờ đây như tìm lại chính mình trong những giấc mơ năm nào bên dòng sông nước cạn.
Cùng với những điệu dân ca, người phụ nữ La Hủ còn có một niềm tự hào khác là cây sáo làm từ những thân nứa mỏng hoặc thân lau. Bà Phản Me Ly, một nghệ nhân làm sáo ở bản Pa Ủ cho biết, sáo chủ yếu dành cho người phụ nữ thổi lúc vui buồn, lúc gọi bạn tình và cả khi vui tết cùng dân bản. Muốn làm một cây sáo, người phụ nữ La Hủ phải lên rừng chọn cây nứa có gióng dài rồi đặt lên gác bếp, sau vài ngày mới đem ra đục lỗ.
Riêng với sáo lau thì phải chờ đến dịp tháng 9, bông lau nở thì mới lấy đoạn phía dưới và tạo lỗ sáo, lưỡi gà ngay lúc tươi. Cô gái La Hủ ngày nay dẫu cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng vẫn rất say tiếng hát của đất trời này. Qua hai trăm năm thở than, réo rắt trên đất Việt, tiếng sáo La Hủ đã trở thành minh chứng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt giữa người với người, giúp cho sự cố kết giữa mọi thành viên trong bản làng thêm bền chặt.
Từ một cuộc sống gần như đói khổ nhất trong các dân tộc ở miền Bắc, trải qua những lần thay đổi lớn, cuộc sống của người La Hủ giờ đây đã có nhiều đổi mới. Hành trình thoát nghèo và bảo tồn, phát triển giống nòi của cộng đồng những người anh em La Hủ trên vùng đất khuất sau ba trăm ngọn thác này vẫn còn nhiều gian khó và thách thức ở phía trước. Song, với lòng quyết tâm của mình, cộng với sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, người La Hủ đang dần thoát ra khỏi bóng tối để làm chủ cuộc đời mình nơi địa đầu Tổ quốc.