Vững vàng “thế trận lòng dân”
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 19/12/2017
“Biên phòng hảo vị trù phương lược”
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha, chúng ta thấy rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng để có thể chiến thắng mọi kẻ thù chính là chiến lược "bách tính giai vi binh" (trăm họ đều là lính). Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ biên giới được xác định không chỉ là của nhà nước, của quân đội hoặc của riêng một địa phương nào, mà thuộc trách nhiệm của toàn dân, “trăm họ”.
Thực hiện chiến lược này, các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện nhiều chính sách, biện pháp trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, huy động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đó là chiến lược “biên giới lòng dân” của ông cha, như Vua Lê Thái Tổ đã từng viết: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt/Đất nước nên lo kế lâu dài).
Ông Côn Thương cùng chiến sĩ biên phòng thăm cột mốc
Nhắc đến “thế trận lòng dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn: “Một vạn Công an chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên, chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động”, dựa vào nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân tạo thành “thiên la địa võng” làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động”.
Ghi nhớ lời dặn của Bác, ngày nay, cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng Việt nam cũng đã vận dụng “kế lâu dài” này theo hướng đổi mới công tác vận động quần chúng “dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm” và phương châm “nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Những cán bộ được tăng cường ngày càng nhiều xuống các xã biên giới, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng, cùng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, xóm biên giới để hiểu dân, gần dân, giúp đỡ được nhân dân vùng biên giới nhiều hơn, tạo thế trận lòng dân. Hàng trăm mô hình giúp dân của các đồn biên phòng, từ phong trào xóa đói giảm nghèo tới “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được củng cố và ngày càng nhân rộng.
Già Xiết trên đường tuần tra
Đặc biệt là phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, đã được các Đồn Biên phòng trên cả nước tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả từ đó đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền và giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở mỗi địa phương, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc đã phát triển ngày càng sâu rộng. Thậm chí việc cùng bộ đội biên phòng giữ gìn biên cương đã thấm vào từng quy ước, hương ước của nhiều bản làng trên biên giới; các gương điển hình về bảo vệ cột mốc, đường biên cũng xuất hiện ngày càng nhiều, trên phạm vi cả nước.
30 năm tuần tra, bảo vệ cột mốc
Với đường biên giới dài gần 200 cây số, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đường biên dài nhất Việt Nam. Cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, trong suốt thời gian qua, nhân dân ở đây đã nguyện đem hết sức mình, tích cực bảo vệ những cột mốc thiêng liêng. Thật cảm động khi có những người đã tình nguyện đảm đương công việc cao cả này trong suốt hai, ba mươi năm qua như trường hợp của già Phàn Định Xiết (ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) - người được ví như một “cột mốc sống” nơi biên ải, và đồng thời cũng là một tấm gương sáng trong phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới và bảo vệ an ninh tổ quốc.
Dù đã ở vào độ “thất thập cổ lai hy”, nhưng đều đặn mỗi tuần, từ một đến ba lần, già Xiết lại “cơm đùm cơm nắm” vượt núi, trèo đèo lên đường biên, phát quang, bảo dưỡng mốc giới. Mấy chục năm qua, từ ngày xung phong đảm nhiệm công việc tuần tra, bảo vệ các cột mốc biên giới 285, 286 và 287, con đường đầy những dốc cao chất ngất, đá tai mèo lởm chởm, đá cuội mồ côi trơn trượt đã quá quen thuộc đối với già.
“Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc. Già yêu Tổ quốc bằng những việc làm bình dị. Việc bảo vệ đường biên, mốc giới không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Già thấy vui khi được làm công việc này. Hơn nữa, Bộ đội Biên phòng đã phải trải qua bao gian nan, vất vả mới xây dựng được các cột mốc biên giới. Vì địa hình ở đây rất hiểm trở, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đã có người hi sinh trong quá trình xây dựng cột mốc. Thế mà sau khi xây xong, có người vô ý thức lấy cột mốc làm nơi néo giữ gỗ khai thác trong rừng, rồi người dân chăn dắt, buộc gia súc vào cột, hoặc thi thoảng cột lại bị những người vô ý thức đập phá sứt sẹo. Buồn lắm! Chỉ tại họ chưa hiểu hết ý nghĩa của các cột mốc biên giới thôi”, già Xiết trải lòng.
Không đành lòng nhìn dấu mốc chủ quyền của Tổ quốc mỗi ngày bị hư hao, gãy vỡ, bắt đầu từ đó già Xiết thường xuyên đi kiểm tra, bảo vệ cột mốc dù chẳng ai giao nhiệm vụ. Sau mỗi “chuyến đi thực tế”, già Xiết đều ghi chép cẩn thận những thông tin thu thập được và báo cáo ngay với Đồn Biên phòng Quang Chiểu về hiện trạng cột mốc. Những thông tin trong cuốn sổ ghi chép của già là một kênh thông tin hữu ích đối với đơn vị.
Bên cạnh việc làm tình nguyện lên bảo vệ cột mốc, cùng các chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới suốt nhiều năm qua, già làng Xiết còn vận động con cháu, người trong xã tích cực bảo vệ cột mốc, đường biên giới Việt Nam - Lào. Là người có uy tín trong cộng đồng, nên lời nói của cụ Xiết luôn được đồng bào nghe theo.
Già Xiết thường dạy con cháu rằng: Biên giới của Tổ quốc là mảnh đất thiêng liêng mà các thế hệ cha ông đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và hy sinh biết bao xương máu mới có được, thế nên con cháu cần phải biết trân trọng, giữ gìn. “Mọi nơi mọi lúc”, mỗi lần có cuộc gặp gỡ hay họp dân bản, già Xiết đều tuyên truyền, giúp bà con hiểu được tầm quan trọng của cột mốc, để chung sức, đồng lồng bảo vệ “hồn thiêng dân tộc” nơi miền biên tái xa xăm.
“Mỗi người dân là một cột mốc”
Men theo biên giới, vào đến vùng đất A Ngo (huyện Đăk Rông, tỉnh Quảng Trị), người ta sẽ được chứng kiến bao cánh rừng tái sinh trên dãy Trường Sơn đang khép tán, màu xanh của rừng đã và đang làm dịu đi vết thương chiến tranh còn ẩn sâu trong lòng đất. Trong câu chuyện về những cánh rừng ấy thường được bắt đầu từ câu chuyện của một cựu chiến binh người Pa Cô có tên là: Côn Thương – người không chỉ có công giúp đồng bào trong việc phát triển kinh tế mà còn là tấm gương sáng trong cộng đồng về tinh thần gìn giữ cột mốc, biên cương.
Bộ đội Biên phòng đứng chào cột mốc
Côn Thương tên thật là Hồ Văn Mòn, nhưng bà con ở bản A Ngo thường gọi ông là Côn Thương. Trong tiếng Pa Cô, “Thương” có nghĩa là luôn yêu quý mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Bây giờ, tên của người cựu chiến binh Trường Sơn dân tộc Pa Cô này còn có thêm một nghĩa mới, biểu hiện cho ý chí quyết tâm vượt khó, sự chia sẻ và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Những năm trước đây, vùng quê A Ngo của Côn Thương còn nghèo lắm. Tất cả đều xơ xác vì bom đạn. Đã vậy, người dân A Ngo còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu đè nặng khiến cuộc sống của bà con càng thêm lam lũ, khổ ải. Trở về từ chiến trường, đối mặt với biết bao cái khó, Côn Thương cùng gia đình quyết định phải phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng.
Dưới đôi tay cần cù của gia đình Côn Thương, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Năm này qua năm khác, đất và cây không phụ công người, hàng trăm nghìn cây bời lời, cây quế, cà phê vươn cành cao vút đã phủ xanh cả một vùng đồi trọc. Những vạt rừng cứ nối tiếp nhau mọc lên đã mang lại cho gia đình ông mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, đời sống ngày một đủ đầy, sung túc hơn. Sau đó, Côn Thương mang các kinh nghiệm mà mình học được chia sẻ, hướng dẫn cách làm với bà con, dân bản giúp họ từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhưng Côn Thương không chỉ lo làm kinh tế. Ông từng là người lính, từng chứng kiến đồng đội và bà con ngã xuống vì mảnh đất này, nên ông hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới quốc gia. Ông tham gia phong trào “Già làng, trưởng bản bảo vệ đường biên cột mốc” bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của mình. Mỗi tháng một đôi lần, người cựu chiến binh Pa Cô ấy lại cắt rừng đến kiểm tra và phát quang cột mốc quốc gia trên biên giới.
Đường ra cột mốc ông quen lắm, khắc đi sẽ khắc đến nên Côn Thương không thấy mệt. Từ việc làm đầy ý thức và trách nhiệm của ông, hầu hết mọi người dân A Ngo đều noi gương ông chấp hành nghiêm các hiệp định về quy chế khu vực biên giới, tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm hẳn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.
Giờ, trên dãy Trường Sơn trùng điệp, những cánh rừng mang lại giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng. Côn Thương, người cựu chiến binh ấy không những làm hồi sinh cho một vùng đất, mà còn góp phần tích cực đưa một cộng đồng dân tộc vùng biên vươn lên làm giàu, nâng cao ý thức của bà con để “mỗi người dân là một cột mốc” trong bảo vệ biên cương Tổ quốc. Rồi đây, mỗi một người dân A Ngo đều là Côn Thương, mỗi cây rừng A Ngo sẽ là một người Pa Cô, tạo nên phên giậu vững chắc cho biên giới Tổ quốc trên miền tây Quảng Trị.