Bão Kai-tak đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 15

Đời sống - Ngày đăng : 15:07, 18/12/2017

Trưa nay (16/12), bão Kai-tak đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 15. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 và có khả năng mạnh thêm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ chiều nay (16/12), vị trí tâm bão số 15 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) 530km về phía Đông Đông Nam. Cường độ gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ di chuyển 15km/h. Đến 13 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây 220 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực giữa và nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, ngoài ra còn kèm theo mưa bão. Biển động mạnh.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 7,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão nằm ngay trên đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. 

Bão Kai-tak đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 15

Vị trí và đường đi của bão số 15 lúc 13 giờ chiều nay

Để chủ động ứng phó với cơn bão này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão Kai-Tak tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung các văn bản số 584 ngày 14/12; số 586 ngày 15/12/2017 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ liên lạc với chủ các phương tiện và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại thông tin trên các phương tiện để mọi người dân, nhất là ở vùng núi biết, chủ động phòng chống.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương theo dõi sát thực tình hình cơn bão, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến để phục vụ tốt công tác chỉ đạo và ứng phó với bão. Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát các bản tin dự báo, cảnh báo, các nội dung chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm việc với Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn (trong đó tạo điều kiện cho hai tàu cá BĐ 96897 TS, BĐ 95851 TS của tỉnh Bình Định vào Malaysia trú tránh).

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Duy Uyên