Tâm điểm dư luận

Gỡ vướng mắc trong xử lý trách nhiệm

Trung Nguyễn 12/02/2025 - 08:30

Theo Bộ Tư pháp, Luật Ban hành VBQPPL hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng các quy định này còn rải rác và chưa thực sự rõ ràng.

Câu chuyện xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hoặc ban hành văn bản trái pháp luật luôn được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra tại nhiều kỳ họp của Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ Tư pháp, Luật Ban hành VBQPPL hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng các quy định này còn rải rác và chưa thực sự rõ ràng.

Các quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, cũng như việc không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra cũng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ.

Thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh diễn ra khá phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016 - 2023, qua kiểm tra, xử lý VBQPPL trên phạm vi cả nước đã phát hiện và có kết luận kiểm tra đối với 4.294 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do các VBQPPL chưa xác định rõ các hoạt động nào thuộc về tổ chức thi hành pháp luật và quy định trách nhiệm nghĩa vụ thực hiện cho các chủ thể. Do đó, dẫn đến việc thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa đạt hiệu quả, nhiều khi còn mang tính hình thức.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong xử lý trách nhiệm nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành VBQPPL hoặc ban hành văn bản trái pháp luật, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, dự thảo Luật quy định cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên...

Dự thảo đã nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu, theo đó người đứng đầu của cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành VBQPPL theo thẩm quyền; trình hoặc ban hành VBQPPL trái pháp luật; để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Dự thảo Luật quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, trừ trường hợp có quy định được loại trừ trách nhiệm.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và công chức được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.

Dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín tới. Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành VBQPPL; ban hành VBQPPL trái pháp luật.

Trung Nguyễn