Mỹ hủy trình diễn F-35 vì ngại đối đầu với Su-57 của Nga?
Triển lãm triển lãm hàng không lớn nhất Ấn Độ – Aero India được cho là cơ hội để Ấn Độ cân nhắc mua Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ khi hai dòng tiêm kích thế hệ thứ 5 lần đầu tiên chạm trán nhau.
![f-35-va-su_57.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/f-35-va-su_57.jpg)
Tuy nhiên, theo nguồn tin Nga, sự xuất hiện của Su-57 khiến Mỹ hủy trình diễn bay F-35 và F-16 trước triển lãm chỉ vài ngày. Đại sứ Nga tại Ấn Độ, Denis Alipov, nhận xét: “Đối thủ của chúng tôi không sẵn sàng cho cạnh tranh công bằng”.
Mỹ đã tìm cách xuất khẩu F-16 và có thể là F-35 sang Ấn Độ, trong khi Nga vẫn tiếp tục chào bán Su-57.
Việc Mỹ hủy trình diễn bay được đồn đoán là nhằm tránh so sánh bất lợi với Su-57, bởi máy bay Nga được đánh giá là có hiệu suất bay vượt trội hơn hẳn, đặc biệt ở tốc độ thấp.
Mặc dù hệ thống điện tử hàng không của F-35 được đánh giá tiên tiến hơn đáng kể so với Su-57 nhưng hiệu suất bay lại là yếu nhất trong số các máy bay cùng thế hệ.
Ngược lại, Su-57 có khả năng cơ động ở tốc độ thấp tốt nhất thế giới nhờ sử dụng động cơ vector lực đẩy ba chiều. Động cơ AL-41F1 của Su-57, không giống như F-35, được cho là có thể giúp máy bay duy trì tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng chế độ đốt sau.
![f-35-hoa-ky.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/f-35-hoa-ky.jpg)
Các chiếc Su-57 được sản xuất từ năm 2025 sẽ thay thế động cơ này bằng AL-51F mạnh mẽ hơn và dễ bảo trì hơn.
Các máy bay tiêm kích của Mỹ từng nhiều lần bị so sánh bất lợi tại các triển lãm hàng không so với đối thủ Liên Xô và Nga. Xu hướng này bắt đầu từ những năm 1980 khi Liên Xô giới thiệu Su-27 và MiG-29 tại nhiều triển lãm quốc tế.
Khi đó, khả năng bay của chúng vượt trội hơn hẳn so với đối thủ, thực hiện được những động tác cơ động mà các máy bay phi Xô Viết không thể sánh bằng.
Khoảng cách này tiếp tục gia tăng trong thập kỷ tiếp theo khi Nga trình làng các biến thể Su-27 với động cơ vector lực đẩy như Su-35 và Su-37.
Gần đây, vào năm 2019, màn trình diễn của Su-35S tại Sân bay Quốc tế Ataturk đã khiến các quan sát viên Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích F-16 của Mỹ là “phế thải” khi so sánh với tiêm kích Nga.
Màn trình diễn của Su-57 tại triển lãm có thể sẽ đặt F-35 và F-16 vào thế bất lợi, đồng thời gia tăng sự ủng hộ trong dư luận Ấn Độ đối với việc mua sắm Su-57.
Tuy vậy, dù trình diễn bay là thế mạnh của Su-57 nhưng F-35 lại vượt trội ở các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến như liên kết dữ liệu hiện đại, cảm biến điện tử thụ động và hệ thống khẩu độ phân tán.
Những tính năng này khiến F-35 được các phi công đánh giá cao nhưng lại không thể trình diễn những ưu điểm đó tại các triển lãm.
Về tổng thể, F-35 được đánh giá có hệ thống điện tử, vũ khí và khả năng tàng hình tiên tiến hơn Su-57, trong khi tiêm kích Nga lại ưu tiên tầm hoạt động lớn, hệ thống cảm biến diện rộng hơn và khả năng bảo trì đơn giản để duy trì tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu cao.
Không quân Ấn Độ từng bày tỏ lo ngại về việc Su-57 bị trì hoãn kéo dài, nhưng hiện tại mẫu máy bay này đã trải qua quá trình thử nghiệm chiến đấu khắc nghiệt nhất trong số các tiêm kích thế hệ thứ năm.
![su_57.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/su_57.jpg)
Nó hoàn thành tốt các nhiệm vụ bao gồm chế áp phòng không, không chiến, hoạt động trong không phận đối phương được bảo vệ chặt chẽ cũng như nhiều nhiệm vụ tấn công chính xác tại chiến trường Ukraine.
Đối với Không quân Ấn Độ, khả năng mua F-35 không được xem xét nghiêm túc do các hạn chế mà Mỹ áp đặt về cách sử dụng máy bay chiến đấu của họ.
Trước thềm triển lãm, cựu Thống chế Không quân Anil Chopra cho rằng New Delhi “vẫn thận trọng với xu hướng của Mỹ trong việc gây áp lực và bỏ rơi đồng minh khi lợi ích của họ không còn tương đồng, cũng như kỳ vọng của Washington rằng Ấn Độ sẽ xa rời Nga”.
Ông nhấn mạnh rằng “việc chọn một đối tác đáng tin cậy, không áp đặt áp lực không cần thiết là điều tối quan trọng”, ngầm khẳng định rằng Mỹ và F-35 không phải là lựa chọn phù hợp.
Nga từ lâu đã là nhà cung cấp quân sự chính của Ấn Độ, nhưng trong những năm gần đây, New Delhi đã tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn của mình.
Việc lựa chọn Su-57 có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ của Ấn Độ với Hoa Kỳ, quốc gia đã tích cực gây sức ép buộc các đồng minh tránh xa phần cứng quân sự của Nga.
Với việc Washington đang cố gắng ngăn cản Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng với Moscow, một cuộc đối đầu giữa F-35 và Su-57 tại Aero India sẽ là cơn ác mộng về quan hệ công chúng đối với Hoa Kỳ.
Liệu Ấn Độ có mua vào chương trình Su-57 hay không vẫn chưa chắc chắn, nhưng hiện tại, máy bay phản lực của Nga vừa giành chiến thắng một vòng đấu không có đối thủ trong cuộc chiến máy bay chiến đấu toàn cầu.