Sức khỏe

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm mùa

Văn Công 11/02/2025 - 22:10

Gần đây, trong thời điểm giao mùa, số ca mắc cúm tại TP. Hải Phòng có xu hướng gia tăng. Trước tình hình này, Sở Y tế Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế các địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Đặc biệt, theo dõi các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát.

cum-mua.jpg
Ảnh minh họa.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng để phát hiện tác nhân gây bệnh, phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất, triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.

Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.

Tiếp tục, chỉ đạo tổ chức triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiến độ và độ bao phủ vắc xin theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ trong tiêm chủng mở rộng.

Trung tâm Y tế các địa phương chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác như: Cúm mùa, cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), Covid-19, bệnh tay chân miệng… trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người thực hiện tốt thông điệp “2K" (khẩu trang, khử khuẩn).

Đối với các đơn vị điều trị, tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, chuẩn bị đủ giường bệnh, các phương tiện điều trị, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Đơn vị điều trị dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị vật tư..., sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị làm công tác dự phòng trong giám sát dịch bệnh.

Đẩy mạnh tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh thường xảy ra trong thời tiết khí hậu mùa Đông Xuân.

Cung cấp các hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe và khuyến cáo tham gia tiêm vắc xin, đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đảm bảo công tác y tế và phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Cùng với đó, phối hợp triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin tại các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo. Đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục đào tạo và tăng cường truyền thông học đường về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Văn Công