Giáo dục

Đề nghị quy định rõ hơn khái niệm "đạo đức nhà giáo"

Duy Tuấn 07/02/2025 - 17:00

Dự thảo Luật Nhà giáo có quy định về "đạo đức nhà giáo". Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đạo đức là một hệ giá trị chuẩn mực song chưa thống nhất với nhau về khái niệm. Do đó, có thể quy định là "quy tắc ứng xử" hoặc "quy tắc về đạo đức nhà giáo" thì sẽ thuyết phục hơn.

Đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 42, sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà giáo.

d4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8.

Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về đạo đức nhà giáo (Điều 10), theo ông Vinh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 theo hướng quy định rõ đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học, cộng đồng; đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo; đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo.

d1.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Nội dung liên quan nghĩa vụ chịu sự giám sát của xã hội đối với các hành vi ứng xử theo chuẩn mực đạo đức nhà giáo sẽ được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn thi hành.

Rất khó định nghĩa

Góp ý vào điều 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, "đạo đức không phải là quy tắc mà là chuẩn mực ứng xử".

"Đạo đức nhà giáo là vấn đề rất khó định nghĩa, đạo đức nhà giáo là ứng xử của nhà giáo được mọi người đánh giá là có đạo đức, không có đạo đức, đạo đức cao, đạo đức thấp. Do đó, nên sửa thành Quy định về đạo đức nhà giáo. Nếu dùng từ đạo đức nhà giáo thì phải viết lại"- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

d2.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua tham khảo các tài liệu thì đạo đức là một hệ giá trị chuẩn mực song chưa thống nhất với nhau về khái niệm. Do đó, có thể quy định lại là quy tắc ứng xử hoặc quy tắc về đạo đức nhà giáo "thì sẽ thuyết phục hơn".

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thiết kế vào dự thảo luật, tạo sự đồng thuận khi bấm nút thông qua.

Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Duy Tuấn