CLB Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định gửi thư cảm ơn Thành uỷ và Bộ Tư lệnh QK7
Đây là niềm vui khôn tả của thân nhân gia đình các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động và hơn 1.700 Hội viên CLB Khối lực lượng vũ trang Biệt động. Từ nay, hương linh các Liệt sĩ đã có một ngôi nhà chung ở nghĩa trang cho các anh quần tụ.
Sáng 7/2, ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối lực lượng vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định cho biết, đã chuyển Thư cảm ơn đến lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP.HCM liên quan việc khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định và dâng hương các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động hy sinh trong sự nghiệp giải phóng đất nước.
![nguyen-quoc-do-dsc02175.jpeg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/07/nguyen-quoc-do-dsc02175.jpeg)
Theo Thư cảm ơn, “Thay mặt cho các hội viên Khối vũ trang Biệt Động và thân nhân gia đình Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định, xin cảm ơn sự quan tâm của Thường trực Thành uỷ; UBND thành phố; Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Bộ Tư lệnh TP.HCM và cá nhân đồng chí Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cùng Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Đây có thể nói là niềm vui khôn tả của thân nhân gia đình các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động cũng như hơn 1.700 Hội viên CLB Khối lực lượng vũ trang Biệt động chúng tôi. Vì từ sau 57 năm hy sinh, nay hương linh các Liệt sĩ đã có một ngôi nhà chung ở nghĩa trang cho các anh quần tụ…”.
![khoi-cong-p2422557(1).jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/03/khoi-cong-p2422557(1).jpg)
Trước đó, sáng 3/2 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM (phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức).
Phát biểu tại buổi Lễ, Thiếu tướng Phạm Văn Rậm chia sẻ, từ ngày được thành lập, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã thể hiện là đội quân đặc biệt, luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tiền thân của lực lượng Biệt động Sài Gòn là các tổ chức Tự vệ quyết tử khi toàn dân ta bước vào năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Rậm, nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Theo đề nghị của Ban Liên lạc Biệt động Sài Gòn, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận thấy việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố là tấm lòng, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Quyền Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia định cho biết, việc xây dựng Bia tưởng niệm đã ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang TP.HCM.
Đồng thời đây cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm để mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường giành độc lập của dân tộc.
![dot-nhang-dsc02143.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/03/dot-nhang-dsc02143.jpg)
Cũng trưa Mùng 6 Tết Ất Tỵ, CLB Truyền thống kháng chiến Khối lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa và giỗ chung các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 tại ngôi nhà chung số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10, TP.HCM).
Hoạt động này nhằm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia định đã hy sinh trong các trận đánh vào cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn năm 1968. Đó là các mục tiêu như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất...
Văn bản số 1203-TB/VPTU ngày 02/8/2024 của Văn phòng Thành ủy nêu rõ: Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 22/7/2024, sau khi nghe CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn -Gia Định, UBND TP, Bộ Tư lệnh TP và các sở, ngành có liên quan báo cáo về đề xuất nguyên vọng lập Bia tưởng niệm các liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP, ý kiến phát biểu của các đồng chí tham dự cuộc hợp, tập thể Thường trực Thành ủy đã thảo luận và thống nhất kết luận như sau:
1. Hoan nghênh, rất biết ơn và ghi nhận sự nỗ lực của các đồng chí CLB Truyền thống kháng chiến Thành phố và CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn -Gia Định trong suốt thời gian qua đã trăn trở, lo lắng, suy nghĩ, tìm cách giải quyết nguyện vọng lập Bia tưởng niệm các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sĩ TP nhằm bày tỏ tình cảm đối với những người đã khuất. Đây là việc làm rất có ý nghĩa mà cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân TP cần phải quan tâm, có bổn phận chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
2. Giao Ban cán sự đảng UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP, Bộ Tư lệnh TP và các sở, ban, ngành liên quan tập trung nỗ lực tối đa, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, khẩn trương phối hợp, rà soát kỹ, hệ thống lại toàn bộ hồ sơ, tư liệu liên quan, hoàn thiện nội dung nêu trên, báo cáo, trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, có ý kiến kết luận chỉ đạo để kịp thời triển khai thực hiện, hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)...