Văn hóa- Thể thao

Khai hội Xuân Yên Tử 2025: Về miền đất Phật

Trần Khanh - Anh Vỹ 07/02/2025 - 10:17

Sáng ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí diễn ra Lễ khai hội Xuân Yên Tử.

Lễ khai hội Xuân Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là hoạt động văn hóa thường niên được tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm.

Đây là Lễ hội quan trọng tại Quảng Ninh, mở màn cho 3 tháng hội xuân, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

img_3043.jpeg
Màn biểu diễn nghệ thuật Khai hội Xuân Yên Tử Xuân Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: T.K

Bên cạnh đó, Hội Xuân Yên Tử góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích Yên Tử.

Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh của Yên Tử tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Năm nay, Lễ khai hội sẽ có điểm nhấn đặc biệt với hoạt động rước 11 Kiệu lễ từ cổng Khai Tâm, qua Quảng trường Minh Tâm vào Cung Trúc Lâm.

img_3045.jpeg
Nghi lễ rước kiệu từ cổng Khai Tâm vào Cung Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: T.K

Cùng với đó, nhiều hoạt động nghệ thuật, biểu diễn Rồng - Lân, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian đặc sắc, hấp dẫn cho du khách và phật tử thập phương về tham dự.

Du khách tham dự Lễ khai hội được trực tiếp thưởng thức và tham gia trải nghiệm nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc truyền thống văn hoá con người Việt Nam.

img_3049.jpeg
Đông đảo du khách thập phương đến tham dự Lễ khai Hội Xuân Yên Tử năm 2025. Ảnh: T.K

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2025 sẽ có sự tham gia biểu diễn của các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, cùng sự hiện diện của một số ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam.

img_3044.jpeg
Đoàn biểu diễn nghệ thuật mặc cổ phục Việt trong Hội Xuân Yên Tử năm 2025. Ảnh: BQL di tích Yên Tử

Ông Lê Văn Thảo, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự trong địa bàn đơn vị quản lý.

Chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đối với du khách sử dụng dịch vụ cáp treo Tây Yên Tử sang tham quan Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.

Đồng thời, Ban quản lý Yên Tử còn phối hợp với lực lượng của các bên trong công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cháy rừng khu vực lân cận cũng như ngoài vùng giáp ranh khi có đề nghị.

img_3048.jpeg
Các cháu thiếu nhi say mê màn biểu diễn khai Hội Xuân Yên Tử mang đậm nét lịch sử, văn hoá truyền thống Việt Nam. Ảnh: BQL di tích Yên Tử

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông.

Sau đó, Phật hoàng từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.

Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

img_3038.jpeg
Những ngày đầu Xuân năm mới, Yên Tử thu hút hàng vạn du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, miền đất Phật thiêng liêng. Ảnh: T.K

Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ.

Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…, nơi có những kiến trúc cổ truyền như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ.

img_3035.jpeg
Chùa Đồng Yên Tử được nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, du xuân dịp đầu năm. Ảnh: T.K

Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2686ha, trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp… ven lối dẫn lên các chùa, am, tháp thường trồng rất nhiều tùng.

Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm.

Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa... Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên "rừng Trúc", tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do ông sáng lập.

Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

Trần Khanh - Anh Vỹ