Nghiệp vụ

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Tòa án

Mai Đỉnh 06/02/2025 - 16:45

Năm 2025, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục tập trung làm tốt việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi, nắm vững về pháp luật và hành động như lời dạy của Bác Hồ “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho TAND các cấp

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2025 nhằm triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2024 và tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 27NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoan mới”, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về nội dung “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực”; thực hiện các Đề án, Nghị quyết, Chỉ thị của Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC như Chị thị số 02/CT-CA ngày 15/01/2024 “Về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử”, Chị thị số 06/2024 CT-CA ngày 12/12/2024 “Về yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác ngành TAND năm 2025”.

Theo đó, năm 2025, với phương châm công tác “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”, TANDTC tập trung làm tốt việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ Thẩm phán, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi, nắm vững về pháp luật và hành động như lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án thực sự là người "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong TAND phải được quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những kinh nghiệm và kỹ năng từ thực tế để đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho TAND các cấp.

tap-huan-tien-dien-tu1.jpg
Hội nghị tập huấn về "tiền điện tử" cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong toàn hệ thống TAND do các chuyên gia tội phạm mạng, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng công chức, viên chức và bố trí phân công kèm cặp giao việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy và học tập; bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, thực chất, hiệu quả và tiết kiệm. Mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng.

Đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng khi cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng

TANDTC yêu cầu việc cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, phù hợp với vị trí việc làm, khả năng, sở trường và phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng trong đơn vị. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sử dụng, đơn vị quản lý công chức, viên chức trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Kế hoạch của TANDTC, các nội dung đào tạo bao gồm: Đào tạo cử nhân luật hệ chính quy tại Học viện Tòa án để tạo nguồn tuyển dụng công chức cho các đơn vị trong TAND; đào tạo văn bằng hai cử nhân luật hệ chính quy; đào tạo sau đại học theo nhu cầu của TAND và của xã hội.

Đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án, đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên Tòa án cho công chức đang công tác trong TAND;

Đào tạo lý luận chính trị cho công chức, viên chức trong TAND để trang bị những kiến thức lý luận sâu sắc đáp ứng yêu cầu chính trị, yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh công chức theo quy định; Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm để tạo nguồn cho các kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán; kỳ thi nâng ngạch công chức, viên chức Tòa án.

tap-huan-vu-an-tham-nhung.jpg
Một buổi Hội thảo tập huấn nâng cao kỹ năng xét xử các vụ án tham nhũng diễn ra tại TP Cần Thơ.

Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo khoa học bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng đang giữ chức vụ và quy hoạch chức vụ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng để đáp ứng yêu cầu công việc và điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm;

Bồi dưỡng theo chuyên đề cho đội ngũ công chức có chức danh tư pháp, Hội thẩm nhân dân, Hòa giải viên để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải quyết, xét xử các loại vụ án và các công việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực giải quyết các vụ án về Sở hữu trí tuệ cho công chức, viên chức trong TAND; Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ Thẩm phán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng theo yêu cầu nhiệm vụ đột xuất trong năm và theo chỉ đạo của Chánh án TANDTC; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trực tiếp kết hợp với trực tuyến theo kế hoạch đã được Chánh án TANDTC phê duyệt; Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn định kỳ theo kế hoạch và yêu cầu của Chánh án TANDTC; Tổ chức hội thảo khoa học tại Học viện Tòa án và các đơn vị trong TAND.

hvta-khai-giang-6-.jpg
Đào tạo cử nhân luật hệ chính quy tại Học viện Tòa án để tạo nguồn tuyển dụng công chức cho các đơn vị trong TAND.

Mai Đỉnh