Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, quan điểm khi sửa luật Tổ chức Chính phủ là sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.
Có tình trạng không làm được thì đổ lỗi cho nghị định, thông tư
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 42, sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc (UBVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, quan điểm khi sửa luật Tổ chức Chính là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các quy định liên quan phân cấp, phân quyền trong luật này cần đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và một số luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bám sát chỉ đạo của cấp thẩm quyền, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhắc lại lời Tổng Bí thư nhiều lần đề cập là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành…, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tới đây, Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư, danh mục tiền "mà giao một khối cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về địa phương".
Nhấn mạnh tính minh bạch trong phân cấp, ủy quyền, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn yêu cầu, điều kiện đáp ứng của nơi được phân cấp, để khả thi khi thực hiện, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
“Cùng một luật, cùng nghị định, thông tư nhưng có địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ gì trung ương, không nói khó nhưng có địa phương cứ kêu tại luật, nghị định, thông tư. Hiện, có tình trạng không làm được thì đổ lỗi cho Quốc hội, Chính phủ, nghị định, thông tư, nên khi sửa luật phải làm rõ chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phải phân quyền cho cấp xã
Cho biết, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, thanh tra cấp huyện không còn, công an cấp huyện không còn và tới đây nhiều đơn vị cũng sắp xếp tương tự. Chủ tịch Quốc hội lưu ý "khi tập trung cho xã, phải phân quyền cho xã".
“Cái gì ở chỗ gác lửng thì thôi không xây dựng. Một trệt, hai lầu, ba lầu, đừng có cái gác lửng nữa”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trước đó, trình bày tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, mục tiêu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ... nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Việc luật hoá các bước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, sẽ thúc đẩy Chính phủ kiến tạo, phát triển.