Văn hóa - Du lịch

Du khách nô nức chiêm bái Đền Sòng Sơn - Chín Giếng đầu năm

Nguyễn Sự 05/02/2025 - 13:43

Di tích Đền Sòng Sơn và Đền Chín Giếng (tỉnh Thanh Hóa) từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng xa gần. Hàng năm, hai di tích này thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh, nhất là dịp đầu xuân năm mới.

den_song1(1).jpg
Những ngày đầu xuân năm mới, đông đảo người dân và du khách thập phương về Đền Sòng Sơn để chiêm bái, dâng hương, vãn cảnh.

Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, đông đảo người dân và du khách thập phương về Đền Sòng Sơn, Đền Chín Giếng (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) để chiêm bái, dâng hương, cầu mong một năm mới bình an, may mắn và tài lộc.

Đền Sòng Sơn (trước đây gọi là đền Sùng Trân) được xây dựng dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) trên đất Cổ Đam, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Đền Sòng Sơn có không gian linh thiêng, cảnh vật hữu tình, kiến trúc và bài trí hài hòa đậm nét truyền thống văn hóa Việt Nam và nổi tiếng với câu ca truyền tụng “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”. Nơi đây thờ Mẫu Liễu Hạnh - Một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Năm 1993, Đền Sòng Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

den_song.jpg
Đền Sòng Sơn là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng xứ Thanh.

Đền Sòng Sơn gắn liền với Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội. Lễ hội thường diễn ra từ ngày 24-26/2 âm lịch hàng năm. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi lễ rước Thánh mẫu, cúng tế thu hút hàng ngàn người tham gia. Phần hội với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và sắc thái địa phương như biểu diễn văn nghệ hầu quan thánh, hầu văn do các bản hội trong vùng thể hiện.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động như: Hội thi Hầu văn Thánh, cờ tướng, kéo co, thi nấu cơm…

Đền Chín Giếng (còn gọi là Đền Cô Chín) nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa Đền Sòng Sơn, cách đền Sòng Sơn 1km về phía đông, cũng thuộc phường Bắc Sơn, thị xã. Đây là nơi tôn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ – con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng Đế.

den_chin_gieng2.jpg
Du khách nô nức chiêm bái Đền Chín Giếng.

Tên của ngôi đền bắt nguồn từ 9 miệng giếng thiêng quanh năm nước không bao giờ cạn. Người dân ở đây truyền tụng 9 miệng giếng thiêng là nơi Cô Chín cai ngự và xung quanh 9 miệng giếng là những câu chuyện huyền bí.

Tương truyền, trong trận chiến giữa tiền Quan Thánh và chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn, Liễu Hạnh lâm nạn, biến thành con rồng ẩn về nơi Cửu Thiên Công chúa đang ngự là 9 cái giếng thiêng.

Chúa Liễu Hạnh được Cửu Thiên Huyền Nữ hóa phép che chở, được Phật Bà Quan Âm ra tay cứu đỡ, nên Liễu Hạnh thoát được lưới vây của Tiền Quan Thánh. Cảm tạ đức từ bi của Phật Bà Quan Âm, Chúa Liễu quy y theo Phật và cảm tình cưu mang của Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Liễu Hạnh kết nghĩa chị em với Cửu Thiên Huyền Nữ.

den_chin_gieng1.jpg

Để ghi nhớ và tri ân đối với Cửu Thiên Huyền nữ đã có công cứu Chúa Liễu Hạnh, nhân dân lập đền thờ ngay bên cạnh 9 cái giếng thiêng. Năm 1993, Đền Chín Giếng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia.

Nguyễn Sự