Đền Cờn- Hành trình tâm linh qua những nghi lễ
Nằm ở phường ven biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), Đền Cờn là một di tích lịch sử nổi tiếng và linh thiêng của tỉnh Nghệ An, Đền Cờn đứng đầu cả về giá trị nghệ thuật lẫn tín ngưỡng. Đây là nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương, những nữ thần bảo hộ dân chài – một tín ngưỡng dân gian phổ biến ở các vùng ven biển Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều địa phương khác.
Là Di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia, lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) được tổ chức hàng năm với quy mô lớn, nhiều nghi lễ đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái. Hiện nay, lễ hội diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng Giêng Âm lịch, gắn liền với một hệ thống các nghi thức lễ hội tiêu biểu.
Ngay từ mùng 1 Tết, người dân địa phương tổ chức các hoạt động tế lễ trọng thể để đón chào năm mới và cầu phúc lành tại đền. Mùng 4 Tết diễn ra lễ tế trầu tại đền chính.
Theo truyền thống, mỗi giáp chuẩn bị bốn mâm trầu cau, trầu têm cánh phượng, cau bổ sáu miếng, tổng cộng 16 mâm được sắp xếp trật tự. Các bô lão trong ban tế lễ, vận trang phục nghiêm chỉnh, dàn hàng dưới sự chỉ huy của chủ tế để tiến hành nghi thức. Sau lễ tế, trầu cau được chia làm lộc thánh phát cho dân làng.
Sang ngày mùng 5, người dân tổ chức lễ tế trâu, còn gọi là “tế Tam sinh” với ba lễ vật chính gồm trâu, lợn và gà. Theo tục lệ xưa, nghi thức này được chuẩn bị công phu.
Buổi sáng, các giáp mang trâu và lợn đến sân đền Trong để ban tổ chức chấm điểm (gọi là “nghiềm”), mỗi giáp một con, tổng cộng bốn con trâu và bốn con lợn.
Sau khi chấm điểm, trâu và lợn được mang về giáp để mổ tế nguyên con dâng cúng thần linh. Ngày nay, nghi lễ đã được giản lược, chỉ dâng đầu trâu lên thần vào buổi sáng để tiến hành tế lễ. Sau đó, phần tế phẩm được chia cho các vị chức sắc và người dân tham gia.
Bên cạnh đó, ngày mùng 7 diễn ra lễ tế bánh, cũng là ngày hạ cây nêu, đồng thời theo thần tích là ngày hóa của các vị thánh. Nghi thức tế được thực hiện trang trọng với sự tham gia của các cụ già trong trang phục truyền thống và hàng nữ quan trong áo dài khăn vấn.
Lễ tế bánh nhằm tạ ơn trời đất, chư vị thần linh, các bậc tiên hiền có công với dân với nước, đồng thời cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng yên.
Lễ tế này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Đền Cờn cũng như phong tục tế bánh chưng, bánh dày. Sau lễ tế của nhà đền, bánh được chia thành hai phần: một phần biếu quan viên, phần còn lại phát cho dân làng.
Từ Tết Nguyên đán, các nghi lễ tế tự diễn ra liên tục tại Đền Cờn, từ lễ tế trầu, tế Tam sinh đến lễ tế bánh. Ngoài các nghi thức trang nghiêm, lễ hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi như đua thuyền, rước thuyền trong ngày chính lễ, góp phần tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Sự chuẩn bị công phu trong việc sắp xếp lễ vật, tổ chức tế tự thể hiện lòng thành kính của người dân đối với thần linh, đồng thời khẳng định giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc của ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ.