Tưng bừng Lễ hội Khai hạ - Cầu an mùng 7 Tết Ất Tỵ
Ngày 4/2 (mùng 7 Tết Ất Tỵ), Lễ hội Khai hạ - Cầu an đã diễn ra tại Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống ý nghĩa.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an là sự kiện diễn ra vào Mùng 7 Tết âm lịch hàng năm, xuất phát từ việc Đức tả quân Lê Văn Duyệt lúc đương thời đã chọn ngày mùng 7 Tháng Giêng (ngày Hạ nêu) làm ngày khai Hạ, đồng thời, cũng là ngày khai sơn, khai quốc, khai ấn nhằm cầu mong cả năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ hội được thực hiện theo nghi thức Tiểu cung đình Triều Nguyễn với nhiều nghi thức: Hạ nêu, Khai hạ, Khai bút và Khai ấn.
Bên cạnh các nghi thức truyền thống, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Ông Bà Chiểu năm nay còn thu hút người dân và du khách bởi hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: triển lãm ảnh nghệ thuật - kiến trúc, viết thư pháp, biểu diễn hát bội truyền thống,... góp phần tạo nên không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt trong những ngày đầu năm mới.
Năm 2022, nhân lễ giỗ lần thứ 190 của Tả quân Lê Văn Duyệt (1832-2022), Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại tại khu di tích Lịch sử - Văn hóa Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) là quần thể kiến trúc tọa lạc trên khu đất rộng 18.500 m2, có tường bao quanh dài 500m, bao gồm đền thờ và mộ phần của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) cùng vợ là bà Đỗ Thị Phận. Ông là vị tướng tài ba có công lớn với triều đình nhà Nguyễn, từng phục vụ dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng.
Tên chính thức của lăng là Thượng Công miếu, nhưng người dân thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu do tục lệ kiêng húy và vị trí lăng nằm gần chợ Bà Chiểu. Ngày 06/12/1989, Bộ Văn hóa đã công nhận Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.