Tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp thúc đẩy quan hệ 2 nước lên tầm cao mới

Chính trị - Ngày đăng : 08:04, 30/08/2016

Tổng thống Pháp François Hollande sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 đến 7/9. Nhân dịp này, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Pháp.

Tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp thúc đẩy quan hệ 2 nước lên tầm cao mới

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn

Cuộc phỏng vấn nhằm đánh giá chuyến thăm của một Tổng thống Pháp sau 12 năm sẽ tạo ra cú hích và bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Báo Công lý xin giới thiệu với bạn đọc nội dung phỏng vấn.

PV: Thưa Đại sứ, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống François Hollande đến Việt Nam có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với quan hệ giữa hai nước - vốn đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược vào năm 2013?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973, hai năm trước khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Trải qua 40 năm qua, hai nước có nhiều nỗ lực vượt qua những khác biệt, đưa quan hệ hai nước phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà đỉnh cao là việc hai nước đã ký hiệp định đối tác chiến lược vào tháng 9/2013 nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Nhìn lại hơn 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Pháp luôn là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam hàn gắn vết thương những chiến tranh và bình thường hóa quan hệ với thế giới. Năm 1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand là Tổng thống phương Tây đầu tiên đến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm, ông đã kêu gọi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Rồi tiếp đó, Pháp cũng là nước ủng hộ và hỗ trợ lớn nhất cho Việt Nam để đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao Tổ chức Pháp ngữ năm 1997. Đây cũng là sự kiện quốc tế mang tầm cỡ lớn đầu tiên mà Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức sau sự kiện này, tạo cơ sở để Việt Nam tổ chức những sự kiện quốc tế lớn sau này. Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã hai lần đến Việt Nam vào năm 1997 dự Hội nghị Pháp ngữ và lần thứ hai vào năm 2004.

Lần này, Tổng thống François Hollande đến Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển mạnh và toàn diện trên các lĩnh vực và đặc biệt sau khi hai nước đã ký hiệp định đối tác chiến lược. Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang có nhiều bước phát triển mới, môi trường địa chính trị trong khu vực cũng có những diễn biến phức tạp, chắc chắn, chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt). Theo tôi, tầm quan trọng thể hiện trên hai khía cạnh.

Thứ nhất, trong quan hệ song phương, chuyến thăm với thành phần tham dự đông đảo là khá nhiều các bộ trưởng của các ngành hợp tác với Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu đang kinh doanh và hợp tác tại Việt Nam thì chắc chắn chuyến thăm của Tổng thống Pháp sẽ tạo cú hích lớn trong quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Thứ hai, đối với khu vực, chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm của Pháp nhiều hơn đối với khu vực Đông Nam Á. Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch Quốc hội Pháp rồi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã đến thăm Việt Nam và giờ là Tổng thống Pháp thăm Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ràng Pháp có sự quan tâm nhiều hơn đến khu vực, thể hiện sự có mặt nhiều hơn tại Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung. Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới đây có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong quan hệ song phương mà trong quan hệ với cả khu vực.

PV: Xin Đại sứ cho biết, những nội dung trọng tâm dự kiến sẽ được hai bên thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Pháp?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Trong chuyến thăm, hai bên sẽ rà soát, kiểm điểm và cụ thể hóa nội hàm hợp tác đặc biệt, nội hàm về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Thứ nhất, hai bên sẽ thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị, trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trong cả bình diện đa phương và song phương.

Thứ hai, đây cũng là dịp hai bên rà soát và nâng cao hơn nữa hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước.

Thứ ba, chuyến thăm là dịp thuận lợi để thúc đẩy các dự án giữa hai nước về hạ tầng cơ sở, chống biến đổi khí hậu, về khoa học công nghệ, y tế, nông nghiệp…

Trong chuyến thăm, hai bên dự kiện ký một số văn bản hợp tác mới giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ rồi tư pháp. Ngoài ra, đây cũng là dịp để Pháp và Việt Nam cùng nhau trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

PV: Thưa Đại sứ, tiếp theo chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp thể hiện thành công trong chính sách đối ngoại, hợp tác và mở cửa của Việt Nam ngày càng sâu rộng ra khu vực và trên thế giới. Đại sứ có suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định này. Phải nói rằng, trong những năm qua, khi chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa thì đối ngoại Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ lãnh thổ đất nước, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối ngoại ở đây là tổng hợp gồm đối ngoại nhà nước, của nhân dân, các địa phương.

Nhìn lại, chỉ trong hai năm gần đây, tất cả các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ của năm nước thành viên thường trực LHQ đã đến thăm Việt Nam. Từ Tổng thống, Thủ tướng Nga; Chủ tịch, Tổng Bí thư Trung Quốc; Thủ tướng Anh; Tổng thống Mỹ và bây giờ là Tổng thống Pháp. Điều đó chứng tỏ vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế đã được các nước đánh giá cao, và đó là thành tựu to lớn không thể phủ nhận của ngoại giao Việt Nam.

PV: Trên cương vị là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, là nhà ngoại giao làm việc và gắn bó với quan hệ Việt - Pháp rất lâu, Đại sứ tin tưởng như thế nào vào triển vọng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi có cái nhìn lạc quan bởi một số lý do.

Thứ nhất, chuyến thăm tạo ra cú hích và bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Vốn hai nước đã có quan hệ truyền thống lâu đời, gắn bó về yếu tố lịch sử, văn hóa. Hai nước đã tạo nền tảng rất vững chắc về pháp lý để mở rộng hợp tác trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ giữa nhân dân hai nước gắn bó chặt chẽ. Người Pháp hiểu rõ về người Việt Nam. Người Việt Nam hiểu về người Pháp và đặc biệt chúng ta có cộng đồng hơn 300 nghìn người Việt Nam tại Pháp. Giới trẻ Việt Nam có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh đang học tập, nghiên cứu tại Pháp. Tất cả những nhân tố đó là những nhân tố tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước trong tương lai.

Thứ hai, vai trò vị thế của Việt Nam ngày càng năng động trong ASEAN và tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt, Việt Nam đã ký những hiệp định trao đổi mậu dịch tự do thế hệ mới và hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN thì chắc chắn thị trường của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp của Pháp. Chính trên những nền tảng đó, tôi nghĩ rằng quan hệ của hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

BBT Báo Công lý