“Khấn thuê, lễ mướn” có phải là hành vi mê tín dị đoan?
Theo luật sư, trường hợp lợi dụng khấn thuê, lễ mướn để trục lợi là hành vi biến tướng của mê tín dị đoan. Nếu hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Hạnh hỏi: Vào dịp đầu năm, tại một số di tích đền, chùa nổi tiếng thường xảy ra nạn “khấn thuê, lễ mướn”. Đây có phải hành vi mê tín dị đoan không và có bị xử phạt không?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) trả lời: Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”.
Việc lợi dụng lễ hội để có những hoạt động biến tướng, trục lợi diễn ra phổ biến hiện nay, sở dĩ tồn tại việc khấn thuê, lễ mướn là do xuất phát từ chính nhu cầu của người dân đi chùa chiền. Việc khấn thuê, lễ mướn là thỏa thuận giữa người dân và người thực hiện công việc khấn thuê, lễ mướn mà người thực hiện công việc sẽ được trả một khoản tiền công phù hợp. Việc khấn thuê, lễ mướn nếu nghi lễ được thực hiện với mục đích cầu mong sự bình an, may mắn cho bản thân và gia đình thì đó không phải là mê tín dị đoan.
Trường hợp nếu người thực hiện công việc khấn thuê, lễ mướn chủ động mời chào người dân và đưa thông tin không đúng quy định pháp luật, đạo đức và thuần phong mỹ tục, đưa thông tin gian dối… nhằm mục đích trục lợi thì có dấu hiệu của việc lợi dụng việc khấn thuê, lễ mướn để trục lợi.
Trường hợp lợi dụng khấn thuê, lễ mướn để trục lợi là hành vi biến tướng của hành vi mê tín dị đoan. Nếu hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 7 và khoản 8 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ - CP quy định: “Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan”. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm đ khoản 7 Điều này; Buộc hoàn lại số tiền thu được do thực hiện hành vi.
Trường hợp nếu người thực hiện hành vi mê tín, dị đoan đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015.