Tin địa phương

Những mất mát, hy sinh của Biệt động Sài Gòn không gì bù đắp được

Minh Đức 03/02/2025 - 18:57

Mỗi chúng ta nhận thức sự hy sinh, mất mát để có được hoà bình, độc lập là vô giá. Bởi đó là xương, là máu của nhiều thế hệ người Việt Nam, là máu và nước mắt của những mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Liệt sĩ.

Ngày 3/2 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), tại buổi Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định (phường Long Bình, TP Thủ Đức), Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM thay mặt đơn vị bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc về sự hy sinh, cống hiến các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc.

p2422335.jpg
Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (áo xanh) dâng hương tại Nghĩa trang TP.HCM.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm, cách đây gần 50 năm, Đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975 đã khẳng định sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hàng triệu người con khắp mọi miền Tổ quốc đã ra trận, đã cùng chung chiến hào, vì một chân lý “Độc lập tự do” của dân tộc; đã anh dũng hy sinh để làm nên một Việt Nam hùng cường.

Từ ngày được thành lập, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã thể hiện là đội quân đặc biệt, luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Khu uỷ, Bộ Chỉ huy Quân khu, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã dũng cảm, mưu trí, táo bạo chiến đấu lập nên những chiến công hiển hách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiền thân của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là các tổ chức Tự vệ quyết tử khi toàn dân bước cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong thời gian đầu, nhiều đơn vị vũ trang và bán vũ trang tự phát mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tính chất hoạt động mang nét đặc trưng chung của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là “Bí mật, táo bạo, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”.

p2422467.jpg
Quang cảnh buổi Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gìn - Gia Định.

Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định được phát triển đến đỉnh cao trong “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968). Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Phân khu 6, lực lượng Biệt động lập nên những trận đánh chớp nhoáng, “xuất quỷ nhập thần”, là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược và tay sai.

Đặc biệt, Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định được chuẩn bị tốt về tinh thần, trang bị tốt về vũ khí, vào trận chiến đấu với khát vọng hoà bình, không có gì quý hơn độc lập tự do nên có nhiều chiến công vang dội.

Với bề dày truyền thống và thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc, lực lượng Biệt động đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 16 chữ vàng “Đoàn kết một lòng, mưu trí vô song, dũng cảm tuyệt vời, trung kiên bất khuất”.

p2422408.jpg
Ông Trần Kiến Xương, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam và Thiếu tướng Nguyễn văn Rậm dâng hưởng Liệt sĩ Nghĩa trang TP.HCM.

Ngoài ra, lực lượng Biệt động còn được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho 5 đơn vị và 31 cá nhân. Hành động này càng tôn vinh truyền thống tự hào của lực lượng Biệt động anh hùng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm nhấn mạnh, mỗi chúng ta nhận thức sự hy sinh, mất mát để có được hoà bình, độc lập là vô giá. Bởi đó là xương, là máu của nhiều thế hệ người Việt Nam, là máu và nước mắt của những mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Liệt sĩ. Những mất mát, hy sinh cho ngày toàn thắng không thể lấy gì bù đắp được.

Mỗi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các vị lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở mọi miền đất nước. Những người này đã cùng viết lên thiên anh hùng ca Xuân Mậu Thân 1968. Những người mãi mãi ra đi trở thành “dáng đứng Việt Nam” anh hùng.

p2422569.jpg
Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Năm tháng sẽ qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, với Thành phố mang tên Bác, những chiến công vang dội của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định sẽ là bất tử. Với khí phách Việt Nam, tinh thần yêu chuộng hoà bình, lòng chung thành với Tổ quốc vô hạn, Nhân dân sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thấy được sự hy sinh to lớn của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, việc xây dựng Bia tưởng niệm là cơ hội để ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang Thành phố. Vừa là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với tiền nhân.

“Xin bày tỏ lòng biết tri ân sâu sắc đến các gia đình Liệt sĩ, Thương binh, gia đình có công với cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm xúc động nói.

Minh Đức