Tin địa phương

Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn

Minh Đức 03/02/2025 - 15:12

Trong số 61 người hy sinh trong lúc chiến đấu năm 1968, chỉ tìm được thân nhân 8 người, còn 53 người vẫn chưa tìm được danh tính. Từ đây, chấm dứt những ngày vong hồn của các anh phải lang thang đây đó, bây giờ được về với mái nhà chung của Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố.

Sáng 3/2 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM. Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM và nhiều đại biểu khác.

tt-ram-p2422494.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc về sự hy sinh, cống hiến mà các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Cách đây gần 50 năm, cả dân tộc đã ra trận, hàng triệu người con ưu tú khắp mọi miền đất nước đã vì chân lý “Độc lập tự do” đã anh dũng hy sinh để có một Việt Nam hùng cường.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm, từ ngày được thành lập, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã thể hiện là đội quân đặc biệt, luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tiền thân của lực lượng Biệt động Sài Gòn là các tổ chức Tự vệ quyết tử khi toàn dân ta bước vào năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong thời gian đầu, nhiều đơn vị vũ trang và bán vũ trang tự phát mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tính chất hoạt động mang nét đặc trưng chung của lực lượng Biệt động Sài Gòn “Bí mật, táo bạo, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Phân khu 6, lực lượng Biệt động với lối đánh táo bạo đã lập nên những chiến công vang dội.

Thiếu tướng Rậm chia sẻ, nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Theo đề nghị của Ban Liên lạc Biệt động Sài Gòn, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận thấy việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố (phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức) là tấm lòng, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP.HCM.

nga-p2422511.jpg
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia định phát biểu.

Cũng tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia định cho biết, việc xây dựng Bia tưởng niệm đã ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang TP.HCM. Đồng thời đây cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm để mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường giành độc lập của dân tộc.

khoi-cong-p2422557.jpg
Buổi Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM diễn ra trang nghi với sự tham dự của lãnh đạo các cấp từ địa phương đến Thành phố.

“Do điều kiện khi các anh hy sinh không có địa chỉ, không có họ tên cũng như không có gia đình. Đến hôm nay, trong số 61 người đã hy sinh trong lúc chiến đấu năm 1968, chỉ tìm được thân nhân 8 người, còn 53 người vẫn chưa tìm được danh tính. Từ đây, chấm dứt những ngày vong hồn của các anh phải lang thang đây đó, bây giờ được về với mái nhà chung của Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố”, bà Nguyễn Thị Bích Nga nghẹn ngào chia sẻ.

Minh Đức