Cựu chiến binh hiến đất làm trường học
"Phần đất 10.000m2 trước đây được các gia đình trong họ tộc trồng lúa, trồng hoa màu. Nhưng khi địa phương có nhu cầu xây dựng trường học thì mọi người vui vẻ hiến tặng", cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài cho biết.
Trận đánh Đồn Ngã Năm Vĩnh Lộc
Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1964, chính quyền Mỹ - Ngụy thực hiện xây dựng thí điểm kế hoạch ấp chiến lược tại miền Nam nói chung và trên địa bàn huyện Bình Chánh nói riêng.
Địch thực hiện biện pháp “tam cùng” như cùng ăn, cùng ở, cùng làm để đi sâu vào đời sống của người dân ở thôn ấp nhằm phát hiện, tiêu diệt cơ sở cách mạng của ta. Ngoài ra, địch còn đưa quân đội, cảnh sát đến đàn áp, buộc dân phải dời nhà vào ấp chiến lược.
Để bảo vệ kế hoạch, địch cho tăng cường xây dựng hệ thống đồn bót xung quanh vùng ven đô thành Sài Gòn, đặc biệt tại xã Vĩnh Lộc, nơi có vị trí quan trọng, cửa ngõ sát nách vào nội đô Sài Gòn, trong đó có đồn lớn Ngã Năm Vĩnh Lộc và các bót lớn nhỏ khác…
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài (Sáu Tài, 79 tuổi, Tiểu đội xung kích thuộc Bộ phận xung kích trong trận tập kích Đồn Ngã Năm Vĩnh Lộc) kể, song song việc thực hiện đấu tranh chống phá kế hoạch ấp chiến lược của địch, ta cũng phát động phong trào kêu gọi thanh niên tham gia vào các đơn vị bộ đội và du kích.
Huyện đội Bình Chánh xây dựng các trung đội trực thuộc như Trung đội 1, 2, 3, Trung đội đặc công, công binh, du kích các xã để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị nhân dân.
Một trong những trận đánh gây tiếng vang của bộ đội địa phương huyện Bình Chánh sau khi được thành lập là trận tập kích tấn công Đồn Ngã Năm Vĩnh Lộc vào ngày 10/7/1964, nay thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ông Sáu kể lại: “Đúng 21 giờ ngày 10/7/1964, Tiểu đội xung kích cho nổ phá tan 2 lớp hàng rào theo đúng kế hoạch, mở cửa hướng Bắc, tạo điều kiện cho Trung đội 1 xung phong. Dưới sự chỉ huy của Huyện đội trưởng Chín Ốm, Trung đội 1 vượt qua cửa mở, tiêu diệt lính chòi canh, tiến vào đồn”.
Địch trong đồn dùng đại liên bắn ra dữ dội, làm cho quân ta thương vong và chậm bước tiến công. Tiểu đội xung kích tiến vào sát mục tiêu, dùng bộc phá đánh sập một góc đồn, tạo điều kiện cho bộ đội tiêu diệt địch. Tuy nhiên, địch cố thủ, dựa vào hệ thống công sự kiên cố chống cự quyết liệt, chúng dùng hỏa lực đại liên bắn vào đội hình ta.
“Sau gần 2 giờ giao tranh, nhận thấy hỏa lực của địch quá mạnh, nếu tình hình này kéo dài sẽ làm cho quân ta thương vong hơn, Huyện đội trưởng Chín Ốm quyết định lui quân theo kế hoạch để bảo toàn lực lượng. Ba Trung đội cùng bí mật rút ra khỏi trận địa, vượt Tỉnh lộ 10 qua Đức Hòa về Bình Thủy, tới căn cứ Vườn Thơm (Long An) ngay trong đêm”, ông Sáu kể.
Trong trận đánh Đồn Ngã Năm Vĩnh Lộc năm 1964, Tiểu đội xung kích của ông Sáu Tài có nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu, cho nổ bộc phá sào, đánh 2 lớp hàng rào của đồn, mở cửa tạo điều kiện cho Trung đội 1 (Bộ phận chủ yếu) tiêu diệt lính chòi canh.
Trung đội 1 (Bộ phận chủ yếu) trang bị 1 khẩu DKZ 75 và đại liên, xung phong hỗ trợ bộ đội đánh chiếm đầu cầu, tiêu diệt địch trong Đồn và ngăn chặn không cho địch thoát ra đồng ruộng.
Còn Trung đội 3 (Bộ phận thứ yếu) do Trung đội trưởng Tám Hỉ chỉ huy, trang bị 1 khẩu DKZ 75 và đại liên, cũng đảm nhận tiêu diệt lính chòi canh, hỗ trợ cho bộ đội xung phong tiêu diệt địch.
Trung đội 2 (Bộ phận đánh xuyên hông) trang bị 1 khẩu DKZ 75 bắn áp chế, đảm nhận hỗ trợ cho bộ đội tiêu diệt địch từ hướng Tây Bắc của Đồn.
Trong trận đánh này, về phía địch chết 1 Đồn phó, 15 lính và bị thương khoảng 20 lính khác. Còn ta, hy sinh 1 Trung đội trưởng là Tám Hỉ, 1 Tiểu đội trưởng, 8 chiến sỹ và bị thương 12 chiến sỹ.
Lúc đó, ông Sáu là chiến sỹ chiến đấu trong đội hình Tiểu đội xung kích và bị thương nặng. Ngay trong đêm, ông Sáu được đồng đội đưa về căn cứ an toàn. Hiện ông Sáu Tài là thương binh, là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Hiến 10.000m2 mặt tiền làm trường học
Nói về cuộc đời mình, ông Sáu Tài cho biết, ông thoát ly gia đình làm du kích xã Vĩnh Lộc năm 1963 khi mới 17 tuổi. Tới tháng 6 năm 1964, ông được xã phát triển lên tham gia lực lượng huyện Bình Chánh. Ngày 10/7/1964, ông được “tin tưởng” cho tham gia đánh Đồn Ngã Năm Vĩnh Lộc vang danh tới ngày nay.
Dù là thương binh nhưng ông Sáu vẫn tham gia cách mạng. Năm 1968-1973, ông bị bắt vào nhà tù Phú Quốc. Tại đó, ông được bầu làm Chi ủy viên Chi bộ Gia Định nhà tù Phú Quốc, được trả tự do tại sông Thạch Hãn, an dưỡng tại Đoàn 597, Quân khu Hữu Ngạn…
Khi hoà bình lập lại, trải qua nhiều chức vụ phục vụ trong ngành Công an, năm 1990 ông Sáu Tài phục viên về nhà làm ruộng, tăng gia sản xuất, cày cấy trên mảnh đất ông cha để lại cùng vợ con.
Năm 1997, ông Sáu Tài thay mặt họ tộc, hiến 10.000m2 để làm trường học tại đường Lại Hùng Cường thuộc xã Vĩnh Lộc B. Phần đất này trước đây được các gia đình trong họ tộc trồng lúa, trồng hoa màu, nhưng khi địa phương có nhu cầu xây dựng trường học, mọi người đều vui vẻ hiến tặng.
“Ngày ấy khu vực này thiếu trường học nên tôi cùng anh em họ tộc đồng ý hiến đất. Giữa năm 1999, Nhà nước bắt đầu cắm mốc, phân ranh xây dựng. Ngày 31/8/2002, Trường PTCS Vĩnh Lộc B được khai giảng, bắt đầu khóa đầu tiên”, ông Sáu Tài chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mưa (71 tuổi), người trong họ tộc với ông Sáu Tài khẳng định: “Anh Sáu thuộc vai lớn nên mọi người trong họ tộc ký giấy nhờ làm đại diện, thay mặt dòng họ hiến đất làm trường, để con em đi học gần nhà. Cả việc mở rộng làm đường Lại Hùng Cường này, chúng tôi cũng vui vẻ hiến, không ai đòi quyền lợi gì”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lộc B cho biết: “Ngày xưa khu vực xã Vĩnh Lộc B không có nhiều trường học. Học sinh ở đây phải di chuyển qua xã Vĩnh Lộc A hoặc qua địa bàn lân cận mới có trường học.
Trước tình hình đó, được sự thống nhất của họ tộc, bác Sáu Tài đã đại diện hiến 10.000m2 để xây dựng ngôi Trường THCS Vĩnh Lộc B như bây giờ. Đồng thời, trụ sở Ban nhân dân Ấp 6 được khai trương hoạt động, cũng nằm trong phần đất do bác Sáu đã hiến”.