Người đem văn tự dẹp can qua
Mỗi mùa xuân đến, ngày Mùng 5 tháng Giêng, lễ hội Chiến thắng quân Thanh lại được diễn ra trọng thể ở gò Đống Đa, Hà Nội lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của thiên tài quân sự Quang Trung, danh nhân Ngô Thì Nhậm đã có những đóng góp lớn lao trong chiến thắng ấy và sớm lập lại hòa bình cho đất nước.
Sùng Đức từ
Lần đầu tiên chúng tôi đến Tả Thanh Oai nhân ngày giỗ danh nhân Ngô Thì Nhậm, 17 tháng Hai âm lịch. Làng có tên Nôm là Kẻ Tó, nằm kề bên trái con sông Nhuệ, xưa thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, sau đổi là Ứng Hòa, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tả Thanh Oai bình dị như bao làng quê thuần nông khác nhưng nổi tiếng bởi truyền thống khoa bảng, với mười hai vị đỗ Tiến sĩ và rất nhiều vị đỗ Hương tiến, Hương cống, Cử nhân, Tú tài. Riêng họ Ngô có sáu Tiến sĩ, trong đó có Ngô Thì Sĩ (1726-1780) và Ngô Thì Nhậm (1746-1803).
Làng đang phố hóa, bờ sông đã san sát nhà cửa. Ngôi từ đường trong xóm Văn Lâm, mang tên Sùng Đức từ, do Ngô Thì Sĩ xây dựng trên thửa đất lâu đời của gia đình. Trong ngõ này, không gian khá tĩnh lặng, vẫn còn vườn, ao và những rặng tre xào xạc, phảng phất hương xưa.
Lặng ngắm ngôi từ đường ba gian hai dĩ, kiểu nội tự ngoại khách, bên trong thờ tự, bên ngoài tiếp khách, lâu ngày chưa được trùng tu, như thấy cả dâu bể thịnh suy mấy trăm năm qua của gia tộc này…
Ngôi từ đường được xây dựng khi Ngô Thì Sĩ vừa đỗ Hoàng giáp triều Cảnh Hưng, văn bia viết về từ đường khi Ngô Thì Nhậm là Thượng thư bộ Binh triều Quang Trung, là hai thời điểm thịnh phát của gia tộc.
“Ấm sở chung vi cửu Nho khoa, tam phúc thần, bát danh thần, lục thất đại phong thanh hiển hách”, vế câu đối ở từ đường cho thấy dòng họ có chín vị đỗ đạt, ba vị được phong phúc thần, tám người là quan tài giỏi, sáu bảy đời danh tiếng vẻ vang.
Bên tay trái, cách từ đường chừng 50 mét là khu mộ Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm, hai ngôi mộ lớn, song song trên một thửa đất rộng. Ông trưởng họ Ngô Văn Trác cho hay, khu đất vốn là nhà thờ Vĩnh Phu, do cháu bốn đời của Ngô Thì Nhậm là Đốc học Ngô Giáp Đậu (1853-1929) xây dựng để thờ từ Ngô Thì Nhậm xuống các đời kế tiếp.
Theo văn bia còn lưu lại, Vĩnh Phu là chữ lấy từ Kinh Thi “Vĩnh phu vu hữu” nghĩa là niềm tin lâu bền. Do biến động của thời cuộc, nhà thờ không còn, chỉ còn lại phần móng của bức tường hậu, do đó con cháu trong gia tộc di chuyển mộ hai cụ về an táng tại đây.
Đứng trong khu vườn rợp bóng cây xanh, bình yên và thoáng đãng, hậu thế mấy ai nhớ cuộc đời vẻ vang, sự nghiệp hiển hách nhưng đầy gian nan của các cụ trong thời buổi loạn lạc, như thời Xuân thu – Chiến quốc xa xưa bên Tàu.
“Lâm cơ ứng biến”
Ngô Thì Nhậm là con trưởng của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ.Ông đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 36 -1775, từng trải các chức quan từ Giám sát Ngự sử, Đốc đồng Kinh Bắc – Thái Nguyên đến Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hữu thị lang bộ Công…
Ông là vị quan thương dân,trong sách Hàn các anh hoa còn lưu bài ký nhà công đường dinh Án sát Thanh Hóa, ông viết: “Nhân dân áo rách, mặt gầy, vì đâu nên nông nỗi ấy? Chúng ta phải nghĩ đó là con đẻ của vua ta vậy. Chúng ta làm cách nào để cưu mang lấy họ, làm thế nào cho dân được yên vui, làm thế nào cho dân có thuần phong, mỹ tục”.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, cử Ngô Văn Sở làm Đại tư mã, quản lãnh binh chúng kiêm Trấn phủ thành Thăng Long.
Nguyễn Huệ triệu tập các đại thần văn võ nhà Lê, sắp đặt lại bộ máy và mời Sùng Nhượng công Lê Duy Cận làm Giám quốc. Trong các cựu thần nhà Lê có Ngô Thì Nhậm được tuyển bổ làm Tả thị lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu, cùng với Võ Văn Ước trông coi các quan văn võ nhà Lê; Phan Huy Ích làm Tả thị lang bộ Hình, tước Thụy Nham hầu và một số người khác như Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan… được bổ nhiệm các chức vụ khác nhau.
Cả gia tộc họ Ngô chỉ có một mình ông can đảm đi với Tây Sơn, trong khi chú ông là Ngô Tưởng Đào, em ông là Ngô Thì Chí tận trung với nhà Lê. Và đó là một quyết định sáng suốt, cuộc đời ông sang trang mới.
Suốt 16 năm gắn bó với nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm có cơ hội kinh bang tế thế, có sự nghiệp vẻ vang, đóng góp lớn lao cho dân tộc.
Trước khi kéo quân về Nam, Nguyễn Huệ căn dặn: Nhậm vừa là bề tôi, vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Nay ta đem các việc quân quốc trong cả nước giao cho các ông được tùy tiện làm việc, nên hội đồng bàn bạc với nhau cho ổn thỏa, chớ vì người mới, người cũ mà xa cách, đó là điều ta mong muốn vậy.
Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại khá sinh động một câu chuyện cho thấy buổi đầu hợp tác với nhà Tây Sơn của Ngô Thì Nhậm. Nguyễn Huệ trước đó từng nghe danh tiếng của Ngô Thì Nhậm nên khi gặp mặt đã nói: “Có lẽ đó là ý trời, muốn để dành người tài cho ta dùng. Mong ông cố gắng lo việc báo đáp”.
Bấy giờ nhà Thanh thấy có cớ để xâm chiếm Đại Việt nên điều động binh mã bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, tất cả tướng tá lên đến 29 vạn quân do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu tiến đánh nước ta.
Ngô Thì Nhậm đã thuyết phục được Ngô Văn Sở và các tướng lĩnh rút lui chiến lược bằng lý lẽ: “Tướng giỏi ngày xưa liệu giặc rồi mới đánh, tính trước rồi mới làm, lâm cơ ứng biến, xuất quỷ nhập thần, cũng như cao tay tính nước, tùy thế mà đánh cờ vậy.
Ta kéo quân về đủ, không phí một người lính, một mũi tên, cho giặc ngủ nhờ một đêm rồi lại đuổi chúng đi, nào có gì mất mà sợ”. Chiến lược “vườn không nhà trống” được thực hiện, toàn bộ tướng sĩ lui về phía Nam để phòng thủ. Quân thủy đóng ở Biện Sơn, quân bộ chặn đèo Ba Dội (Tam Điệp) rồi cử Nguyễn Văn Tuyết cấp báo cho Nguyễn Huệ ở Phú Xuân.
Ngày 17/12/1788 Tôn Sĩ Nghị và quân chủ lực, được nội ứng của tàn quân Lê Chiêu Thống vào đến Thăng Long và chia quân đóng giữ các nơi. Cuộc hành quân quá dễ dàng khiến quân Thanh chủ quan, khinh địch...
Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi trực tiếp dẫn quân ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, đại quân Tây Sơn tập kết tại Tam Điệp - Biện Sơn.
Tại đây, Quang Trung nói: Các ngươi đều là hạng vũ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh, đến việc tùy cơ ứng biến thì không có tài. Cho nên ta để Ngô Thì Nhậm ở lại để làm việc với các ngươi chính là lo về điều đó...
Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra để chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy rất đúng.
“Khi mới nghe ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu, sau hỏi Văn Tuyết thì đúng như vậy”, Quang Trung nói.
Bình thường hóa quan hệ với nhà Thanh
Quả thật, với tầm nhìn sáng suốt của mình, Ngô Thì Nhậm đã tiết kiệm được rất nhiều xương máu của quân dân, bảo toàn được lực lượng để cùng đại quân Tây Sơn dồn tổng lực đánh đuổi quân xâm lược.
Đêm mùng Ba Tết Kỷ Dậu -1789, quân Tây Sơn hạ đồn Hà Hồi. Rạng sáng mùng Năm Tết, Quang Trung trực tiếp chỉ huy đánh đồn Ngọc Hồi, quân Thanh chết quá nửa, tướng giặc là Hứa Thế Hanh và nhiều tướng khác tử trận.
Đồng thời với cuộc tấn công Ngọc Hồi, đô đốc Long từ Nhân Mục tấn công đồn Khương Thượng – Đống Đa, quân Thanh hoảng loạn, tan vỡ. Thừa thắng, Đô đốc Long kéo quân vào thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc áo giáp, lên ngựa chưa kịp lắp yên cương mang theo vài kỵ binh vượt cầu phao sông Hồng nhắm hướng Bắc mà chạy.
Quang Trung dẫn đầu đại quân vào Thăng Long trong niềm hân hoan chiến thắng.
Chiến thắng oanh liệt này đập tan ý đồ xâm lược và thống trị Đại Việt của nhà Thanh, từ đây nhà Thanh nhìn về phương Nam với con mắt dè chừng, kiêng nể.
Bài ký nhà thờ Vĩnh Phu do Ngô Giáp Đậu soạn viết về Ngô Thì Nhậm có câu: “Nghĩ xưa, cụ tằng tổ ta hiệu là Hi Doãn tiên sinh, gặp khi triều đình đổi mới, đem văn tự dẹp nạn can qua”… Quả thật đấy là mấy chữ đúc kết tài năng và công đức lớn lao của danh nhân Ngô Thì Nhậm với lịch sử, với Tổ quốc và bách gia trăm họ.
Trong cuộc hội họp tại Tam Điệp, với tầm nhìn của một lãnh tụ, Quang Trung nói: Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Không quá mươi ngày có thể đuổi được người Thanh.
Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm hổ thẹn mà mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy.
Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mươi năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng.
Từ đó, vua Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đặc trách việc giao thiệp để bình thường hóa quan hệ với nhà Thanh. Nhà Thanh sau thảm bại rất lo lắng, muốn giảng hòa nhưng vì thể diện nên phao tin là chuẩn bị đánh Đại Việt. Tôn Sĩ Nghị bị bãi chức Tổng đốc, Phúc Khang An lên thay.
Phúc Khang An tận mắt thấy Tôn Sĩ Nghị trơ trọi một mình chạy về, lại nghe thanh thế của Quang Trung nên cũng lo sợ... Phúc Khang An nhắn qua viên quan coi ải, nói Ngô Thì Nhậm “viết thư chuyên tâm giảng hòa, viết biểu tạ tội, ta ở bên trong giúp đỡ thế nào cũng xong”...
Có thể nói, Ngô Thì Nhậm nhận được lòng tín nhiệm tuyệt đối của Quang Trung, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Binh. Đồng thời, Ngô Thì Nhậm là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với nhà Thanh.
Hầu hết văn thư thời hậu chiến để “bình thường hóa quan hệ” đều do ông soạn thảo, thể hiện rõ nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia với các chính sách mềm dẻo, linh hoạt. Ngô Thì Nhậm cũng hai lần đi sứ sang nhà Thanh. Bang giao hai nước được nối lại, vua Thanh phong Quang Trung là An Nam quốc vương ngay trong năm 1789.
Coi trọng kiến thức để kinh bang tế thế
Ngô Thì Nhậm có một sự nghiệp văn chương lớn lao, để lại cho đời hơn 20 tác phẩm lớn, tiêu biểu là Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Doãn thi văn tập, Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đồ phả, Cúc đường bách vịnh…
Ông còn là Tổng tài Quốc sử quán, đã tổ chức biên soạn và cho in sách Đại Việt sử ký tiền biên mà thân phụ ông khởi soạn. Ông chủ trương văn chương phải chân thực, đôn hậu, coi trọng kiến thức để kinh bang tế thế, không ham bóng bảy, tầm chương trích cú.
Ngô Thì Nhậm cũng dành nhiều thời gian, tâm trí nghiên cứu Phật học. Ông lập thiền viện, soạn công án, trở thành Hải Lượng thiền sư, viết tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (1796) được đánh giá rất cao.Ông được tôn là Trúc Lâm đệ tứ tổ.
Trong ngày giỗ Ngô Thì Nhậm ở Sùng Đức từ hôm ấy,sau khi con cháu và quan khách dâng hương, PGS. TS Hán Nôm Nguyễn Thị Oanh là vị khách mời đã có bài phát biểu khá kỹ, đánh giá cao giá trị của thơ văn của Ngô Thì Nhậm và các tác gia trong Ngô gia văn phái... khiến ngày giỗ có sinh hoạt văn chương khá thú vị và độc đáo, mang đến cho người dự lễ những cảm xúc đẹp đẽ.
Thời gian là vị trọng tài khách quan, đã khẳng định tấm lòng của Ngô Thì Nhậm, một trí thức lỗi lạc với dân, với nước, không chỉ bằng các tác phẩm văn chương để đời mà cống hiến lớn lao nhất của ông là “đem văn tự dẹp can qua”, tránh cho đất nước những phen đầu rơi, máu chảy. Ân đức ấy muôn năm không lu mờ.