Văn hóa - Du lịch

Ngược dòng Thu Bồn ngày xuân

Hải Nam 01/02/2025 07:00

Tết - thời khắc thiêng liêng trong lòng người Việt, là dịp để mọi người sum vầy bên gia đình, cùng chúc nhau một năm mới an lành. Nhưng Tết đôi khi trở thành hành trình tìm về ký ức, về cội nguồn và về những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong chuyến hành trình trước Tết năm nay, tôi đã quyết định ngược dòng sông Thu Bồn, một dòng sông từng ghi dấu bao năm tháng êm đềm, để tìm về những ngày đầu xuân nơi quê hương và tìm lại chính mình.

Từ Hội An, tôi khởi hành vào một buổi sáng trong trẻo, khi ánh bình minh còn chưa kịp len lỏi qua những tán lá cây. Thuyền lướt nhẹ nhàng, chẳng vội vã, cứ để dòng nước đưa tôi đi, như một hành trình tìm lại những gì đã mất đi trong cuộc sống ồn ào và hối hả.

nguoc-dong-thu-bon-ngay-xuan-3-.jpg
Ngược dòng Thu Bồn ngày xuân.

Thu Bồn không chỉ là một dòng sông dài, mà còn là chứng nhân lịch sử, nơi ghi dấu những làng mạc ven sông thắm đượm những mùa lúa chín, những câu chuyện đời người đong đầy kỷ niệm.

Vào mỗi dịp Tết, dòng sông trở nên đặc biệt hơn, bởi bao nhiêu con thuyền tất tả ngược xuôi nhưng đều chung một thông điệp mang theo hương sắc mùa xuân về mọi nẻo đường.

Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, lướt nhẹ qua những con sóng lăn tăn, tôi không chỉ ngắm cảnh vật hai bên bờ, mà còn lắng nghe những câu chuyện của người dân làng chài, những người đã gắn bó suốt đời với con sông này.

Họ kể về những mùa bão táp, về những ngày tháng cần mẫn làm lúa, làm cỏ, làm hoa... Giờ đây, họ chỉ cần một cái Tết yên bình, an lành, được quây quần bên gia đình, cùng nhau thắp nén nhang cúng ông bà, tổ tiên.

Ngược dòng sông, tôi càng cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của một miền quê thanh bình, giản dị, nơi con người không cần những điều sa hoa mà vẫn sống đầy đủ và hạnh phúc. Mỗi cảnh vật, mỗi con người trên dòng sông Thu Bồn như một phần không thể thiếu trong ký ức của tôi về Tết.

Và tôi hiểu rằng, dù đi đâu, về đâu, thì những giá trị truyền thống ấy sẽ mãi trường tồn, như dòng sông không bao giờ ngừng chảy, như mùa xuân luôn trở lại sau những ngày đông giá lạnh.

Khi thuyền chầm chậm ngược dòng sông đi vào sâu trong đất Quảng, tôi bắt đầu trò chuyện với người lái đò. Anh là một người đàn ông trung niên, mái tóc đã điểm bạc nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm vui khi nhắc đến Tết.

Anh kể cho tôi nghe những câu chuyện về dòng sông mẹ Thu Bồn, về những lần lũ lớn, về những mùa gặt bội thu nơi những cánh đồng trải dọc theo dòng sông và cả những đêm đón giao thừa trong không khí ấm cúng của gia đình,về những ngôi làng lẩn khuất giữa những vườn cây trái xanh tươi, những nếp nhà đơn sơ mang theo vẻ đẹp mộc mạc, giản dị.

Dọc hai bên bờ, muôn sắc hoa đang dần khoe sắc, mùi hương hoa thoang thoảng trong không khí, mang lại một cảm giác bình yên lạ kỳ.

Ở đây cuộc sống vẫn giữ được vẻ giản dị, chân chất, vẫn giữ được nếp sống cổ truyền, làm lúa, làm vườn, đánh bắt tôm cá, trong những ngày cận Tết, họ dường như cũng không quá xô bồ mà vẫn giữ được không khí ấm áp, gần gũi.

Tôi ghé thăm một gia đình nông dân ở ven sông. Họ chào đón tôi với nụ cười nở trên môi, mời tôi một ly trà nóng. Câu chuyện về ngày Tết dần mở ra và tôi hiểu rằng, dù có khó khăn, dù cuộc sống có bộn bề lo toan, người dân nơi đây vẫn luôn giữ gìn những giá trị truyền thống và Tết là dịp để họ thắp lên niềm hy vọng cho một năm mới tươi sáng.

Dừng chân tại một ngôi làng ven sông, tôi được người dân chào đón nồng nhiệt. Ngôi nhà của gia đình ông Lê Văn Tín - một trong những hộ dân lâu đời ở đây.

Ông Tín có một mảnh vườn nhỏ trồng đủ loại hoa, từ hoa cúc vàng, hoa vạn thọ đến hoa mai, những loài hoa mà người dân Quảng Nam coi như biểu tượng của mùa Tết.

“Cây mai vàng này là giống đặc biệt, từ lúc ông bà tôi trồng đến giờ vẫn giữ lại.”- ông Tín nói, mắt ông sáng lên khi nhìn những cành mai đầy nụ hoa đang dần hé nở.

Có lẽ với lão nông này cây mai trong vườn không chỉ đơn thuần là một loài hoa, mà còn mang trong đó những câu chuyện về một gia đình, một dòng tộc, và là minh chứng cho sự kiên cường, bền bỉ của người dân vùng đất này.

Tết ở miền quê này không chỉ là sự bắt đầu của một năm mới, mà còn là cơ hội để người dân xứ Quảng bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, với những giá trị văn hóa truyền thống. Cái Tết ấy giản dị, nhưng đầy đủ sự trân trọng và yêu thương.

Khi trời ngả sang tối, tôi lại ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, tiếp tục hành trình ngược dòng. Mặt trời đã lặn, nhưng ánh sáng vàng ấm của nó vẫn chiếu rọi trên mặt sông, tạo ra những vệt sáng lấp lánh. Trên bờ, những đứa trẻ đang đùa giỡn, nhảy nhót vui mừng, trong khi người lớn đang chuẩn bị gói bánh tét, sắp xếp nhà cửa.

Không khí Tết đã tràn ngập khắp mọi ngóc ngách của làng quê. Người dân dù bận rộn nhưng vẫn nở nụ cười hiền hòa, chúc nhau những lời chúc tốt lành.

Và tôi, giữa bao nhiêu sắc màu của Tết, đã cảm nhận được một tình cảm ấm áp lạ thường, một tình yêu quê hương sâu đậm, một sự biết ơn đối với nguồn cội.

Hải Nam