Phóng sự - Ghi chép

Vũ khúc biên thùy

Nam Hoàng 02/02/2025 - 07:30

Trong đời sống văn hóa của một số dân tộc dọc dải biên cương Tây Bắc như Hà Nhì, Khơ Mú, Si La thì âm nhạc và múa hát là những môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Nhất là vào những ngày lễ hội hay Tết Nguyên đán, hết màn múa này đến vũ khúc kia, cứ thế bữa tiệc âm nhạc kéo dài ra mãi…

Mang tải những lớp lang văn hóa tộc người

Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Hà Nhì ở Việt Nam có dân số là 25.539 người, cư trú tại 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai... Người Hà Nhì gồm có 3 nhóm, đó là nhóm Hà Nhì Cồ Chồ, nhóm Hà Nhì Lạ Mí (hay Hà Nhì Hoa) và nhóm Hà Nhì Đen.

Thế nhưng có một điều đặc biệt là dù nhóm Hà Nhì nào đi chăng nữa thì họ cũng có thói quen định cư ở những vùng núi cao, gần khu vực biên giới. Và cũng chính “thói quen” sống nơi núi cao rừng thẳm đó đã phần nào tạo nên bản sắc rất riêng của dân tộc này, đặc biệt là các nhóm Hà Nhì sinh sống ở 2 huyện Mường Tè, Lai Châu và Mường Nhé, Điện Biên: Gái thì đảm đang, vén khéo; trai thì vâm vam, dũng mãnh, cả đời chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ không bao giờ cúi đầu trước quân thù. Bản sắc đó nó “thấm” cả vào trong âm nhạc.

bai-thanh-den-1-.jpg
Điệu múa của dân tộc Hà Nhì.

Dường như mỗi một điệu dân ca dân vũ của những sơn dân đến từ những vùng đất tuyệt mù xa ngái này đều mang tải những lớp lang văn hóa tộc người quý giá. Còn giai điệu khi thì ầm ào như nước reo, lửa cháy, khi thì sầm sập như vó ngựa thảo nguyên, nhưng cũng có lúc du dương như gió thổi đỉnh rừng…

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ, ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chia sẻ: “Múa là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ không thể thiếu hay tách rời trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì. Người Hà Nhì thường múa vào dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, lễ tết, lễ cầu ngày mùa, trong đám cưới, ăn mừng nhà mới hoặc trong những đêm trăng sáng đẹp…

Múa dân gian của người Hà Nhì có các điệu như múa dệt vải (xà là gồ), múa sản xuất (te ma ú chà khồ tố), múa trống chiêng, múa nón, múa trông trăng, múa xòe (cá nhi nhi), múa ngày đẹp (á mì sư)…”.

Cũng theo ông Tơ thì trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, người Hà Nhì đã sáng tạo các điệu múa phục vụ cho tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh. Chính vì thế mà hầu hết các làn điệu múa của người Hà Nhì mang tính tập thể, nghệ thuật biểu diễn cũng rất đa dạng.

Trong các điệu múa của người Hà Nhì, đầu tiên phải kể đến là điệu múa trống chiêng. Đây là điệu múa mang tính nghi lễ, thường múa vào dịp tết năm mới, cầu chúc cho dân làng và gia chủ làm ăn phát triển, bản làng yên vui, vạn vật sinh sôi phát triển.

Động tác múa đầu tiên là hai tay co lên chụm trước bụng, hai chân hơi nhún vè phía trước bắt đầu xoay từ bên trái 3 vòng rồi lại quay ngược lại ba vòng bên phải. Tay và chân cùng múa chung một nhịp, khi quay bên nào thì chân đó mở một khẩu độ khoảng 10-12 cm phối hợp cùng hai cánh tay. Cứ như vậy tập thể múa hình thành một vòng tròn, theo nhịp trống chiêng cùng vui mừng chúc tết cho gia chủ, cầu chúc năm mới gia đình làm ăn gặp nhiều may mắn, phát triển hơn năm cũ.

Ngoài múa trống chiêng, người Hà Nhì còn có điệu múa úp chiêng. Đây cũng là một điệu múa tập thể, dành cho cả nam lẫn nữ. Theo đó, nam nữ kết hợp thành một vòng tròn, tay cầm chiếc chiêng đồng để úp bắt cá. Động tác này vừa mô phỏng việc tìm kiếm nguồn thức ăn vừa thể hiện sự giao hoà giữa trời và đất, thiên nhiên cây cỏ và con người. Khi múa, đội múa bước chân quay mặt theo hướng vòng từ trái qua phải và ngược lại.

Các điệu múa bắt nguồn từ cuộc sống

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, âm nhạc và múa hát là 2 thứ “gia vị” đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khơ Mú. Các điệu múa đặc sắc nhất của dân tộc này có thể kể đến như: Múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiếp); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do)...

Mỗi điệu múa của người Khơ Mú đều được dẫn dắt bởi những đạo cụ tạo ra âm điệu, tiết tấu riêng. Ví dụ như múa dỗ ống thì các ống tre được gõ xuống nền nhà hay mặt gỗ để tạo âm thanh, nhịp điệu.

Do cuộc sống của dân tộc này gắn với núi cao rừng thẳm nên các điệu múa của họ thường tái hiện hoạt động trong đời sống sinh hoạt như: Chọc lỗ tra hạt, đuổi chim, đi rừng, đi nương, bắt cá... Tuy các động tác múa đều đơn giản nhưng vẫn uyển chuyển, đẹp mắt. Chỉ cần tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng trống, tiếng chiêng được tấu lên, các điệu nhảy, màn múa sẽ được các nghệ nhân, vũ công trình diễn một cách đắm say, nguyên thủy và hoang sơ nhất.

Dường như thanh âm của các nhạc cụ truyền thống đã thổi đẩy những nghệ nhân quê mùa, lam lũ kia bay đi khắp nhân gian và phủ lên họ một thứ ánh sáng rộn ràng khác, khiến ta không còn nhận ra họ nữa.

Song chính lúc đó, họ mới đích thị là họ nhất. Lúc đó, họ mới tài hoa và hào hoa như vốn có. Lúc đó, họ mới thực sự là những đứa con kiêu hãnh của núi rừng.

Qua các điệu múa, người Khơ Mú muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa; thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương, yêu lao động sản xuất. Ðồng thời, cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng.

Bà Lường Thị Nên, người Khơ Mú, thành viên Đội văn nghệ bản Ten, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Nhìn các điệu múa của người Khơ Mú tưởng chừng như đơn giản, nhưng để múa đẹp, có hồn là rất khó.

Ví như múa Ong eo thì phải lắc hông, uốn eo, mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân (gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ), thường diễn ra trong lễ tết, mừng cơm mới; múa cá lượn vào dịp vui, lễ sửa nhà với những động tác mô phỏng quẫy đuôi, chuyển động của loài cá; múa chọc lỗ tra hạt đúng như cái tên của nó, nam vừa nhún nhảy vừa dùng cây gậy chọc lỗ trên mặt đất, nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất…”.

Còn ông Lường Văn Hai, một nghệ nhân người Khơ Mú ở Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên, cho biết: “Vì thể hiện cuộc sống lao động sản xuất nên các động tác múa của người Khơ Mú thường khỏe khoắn, dứt khoát, mang tính sôi động. Khi tiếng chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa như ống tre dỗ xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả, tạo nên không khí rạo rực, lôi cuốn mọi người hòa chung vào điệu múa”.

Hun đúc từ trong lao động

Trong các dân tộc ít người nhất Việt Nam, Si La được xem như là một trong những dân tộc bé nhỏ nhất Việt Nam với số dân chỉ với 909 người (theo điều tra dân số năm 2019). Được biết, nguồn gốc của dân tộc này có nguồn gốc từ Tây Tạng, Trung Quốc. Sau này, một số dòng họ di cư xuống và sinh sống bên dòng Nậm U thuộc nước CHDCND Lào.

Khoảng 150 năm trước, các dòng họ Pờ, Hù, Lỳ, Giàng tiếp tục di cư về phía đông. Khi sang đến Việt Nam, họ lại men theo sông Nậm Mức và về sinh sống chủ yếu tại ba bản Seo Hay, Sì Thâu Chải (thuộc xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) và Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Tuy số dân ít ỏi, song kho tàng dân ca, dân vũ của người Si La tương đối phong phú và đặc sắc. Phần lớn các bài hát của dân tộc này đều được sáng tác trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, mang tính giáo dục, rèn luyện sự cần cù, chịu khó. Có bài hát đặc tả về tập quán canh tác lúa, từ khâu đi tìm đất đến khi thu hoạch và đem lúa về nhà; có bài hát truyền tải các kinh nghiệm quý báu được hun đúc từ trong lao động…

Vào mấy ngày Tết Ô Xị Chờ, người Si La thường hát những lời chúc tụng nhau, cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình, bản làng yên ấm. “Đến đầu năm mới rồi/Năm mới đã đến rồi/Anh chị em, con cháu/Ngày cũ cũng qua rồi/Bước sang ngày mới rồi/Năm cũ đã qua đi/Bước sang năm mới/Chọn ngày tốt hôm nay/Ngồi mâm không cho lật bàn lật ghế/Không để rung bàn rung ghế/Ăn thịt uống rượu rồi/Ăn thịt không được để nôn/Uống rượu không được để say/Không được đánh cãi chửi nhau/Không được vi phạm những lí lễ của mình/Không biết thì dạy cho, phải nghe lại…”.

Với ngôn từ dễ thuộc, tiết tấu nhanh, dứt khoát rất dễ tạo cảm hứng cho người hát nên bài hát mừng năm mới rất được người Si La ưa chuộng. Người ta có thể hát một mình và cũng có thể biểu diễn chung với nhiều người khác, bất kể già trẻ lớn bé.

Ngoài những bài hát về năm mới, người Si La còn gìn giữ một số điệu múa trong các lễ hội như cầu mùa, vào mùa với các động tác mô phỏng hiện tượng thiên nhiên hay trong lao động. Cũng có những bài hát, điệu múa lại mang tải, chất chứa nỗi niềm của người Si La khi phải xa xứ mưu sinh, một lòng nhớ về quê hương bên dòng Nậm U xa ngái ngàn trùng.

Chỉ cần chứng kiến màn múa hát tập thể của người Si La trong mấy ngày Tết, người ta chợt hiểu, dẫu cộng đồng dân tộc này thật ít người, song sự chân chất, nồng nàn và khả năng gắn kết cộng đồng của họ vô cùng lớn.

Chỉ cần nhìn điệu múa sơn cước của những người phụ nữ Si La tha thướt, dịu dàng, đong đầy nét duyên một thủa trong không gian rừng núi hay bên dòng Đà giang thẳm dốc, người ta không khỏi liên tưởng đến những bước chân thiên di của tổ tiên họ khi vượt ngàn băng núi mang theo ước vọng về một miền đất trái ngọt cây lành còn đang ở trước mặt đợi chờ.

Và cũng qua những bài hát đấy, người ta sẽ hiểu hơn về một tộc người, tuy rất đỗi nhỏ bé, bình thường, song khát vọng sinh tồn của họ mãnh liệt chả khác gì dòng Đà giang ngày đêm cuồn cuộn thác lũ.

Nam Hoàng