Thu gọn bộ máy nhiều đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí mới đây đã ký ban hành Thông tư 02/2024/TT-TANDTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Theo đó, nhiều đơn vị thuộc TANDTC đã được tổ chức lại theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Theo Thông tư, các đơn vị thuộc TANDTC gồm: Văn phòng; Cục Kế hoạch - Tài chính; Cục Công nghệ thông tin; Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra I); Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra II); Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc, kiểm tra III); Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính (Vụ Giám đốc, kiểm tra IV); Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Công tác phía Nam; Thanh tra TANDTC; Học viện Tòa án; Báo Công lý; Tạp chí TAND.
Văn phòng TANDTC là đơn vị Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND
Thông tư quy định, Văn phòng TANDTC có chức năng tham mưu, giúp Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện các hoạt động phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TANDTC; là đơn vị Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND. Chánh Văn phòng là người phát ngôn của TANDTC.
Các đơn vị thuộc Văn phòng gồm: Phòng Tham mưu tổng hợp; Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn tư pháp; Phòng Thi đua - Khen thưởng; Phòng Văn thư - Lưu trữ; Phòng Tài vụ; Phòng Quản trị; Phòng Thông tin - Truyền thông; Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn khu vực phía Nam; Phòng Quản trị khu vực phía Nam.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng TANDTC gồm: Xây dựng, triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ thị, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác của TAND; sơ kết, tổng kết công tác của TAND; theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động của các Tòa án; xây dựng báo cáo công tác của Tòa án; trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý văn bản đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thụ lý vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền; Tổ chức chuẩn bị, phục vụ công tác xét xử, đề xuất phân công Thẩm phán TANDTC giải quyết văn bản đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ Chánh án TANDTC phân công; xây dựng văn bản, triển khai, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong TAND; thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu theo quy định của pháp luật và của TANDTC; quản lý, hướng dẫn công tác thống kê, văn thư, lưu trữ đối với các Tòa án theo quy định của pháp luật; quản lý kinh phí và thực hiện công tác tài chính, kế toán theo phân cấp của TANDTC và quy định của pháp luật; quản lý tài sản, cơ sở vật chất; bảo đảm hậu cần, trang thiết bị, điều kiện làm việc; thực hiện công tác bảo vệ, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, y tế của TANDTC; quản lý, vận hành nhà khách TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định; thực hiện nghi lễ, khánh tiết; tổ chức sự kiện, thăm hỏi, thăm viếng, tang lễ và nghi lễ khác; quản lý, điều hành và sử dụng phương tiện phục vụ hoạt động của TANDTC theo quy định; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền của Tòa án; tổ chức sưu tầm, bổ sung tài liệu, bảo quản hiện vật lịch sử, tuyên truyền, giáo dục truyền thống của TAND; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội TANDTC chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động TANDTC; quản lý Quỹ tình nghĩa của TAND; triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Chánh án TANDTC.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 4 Vụ Giám đốc kiểm tra
Theo Thông tư 02/2024/TT-TANDTC, TANDTC có 4 Vụ Giám đốc, kiểm tra, gồm: Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra I); vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra II); vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc, kiểm tra III); vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính (Vụ Giám đốc, kiểm tra IV).
Các Vụ Giám đốc, kiểm tra có chức năng tham mưu, giúp Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC trong công tác giám đốc, kiểm tra về một lĩnh vực, hoặc một số lĩnh vực cụ thể (hình sự; dân sự; kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên; hành chính) thuộc thẩm quyền của TANDTC.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các Vụ Giám đốc, kiểm tra gồm: Nghiên cứu, giải quyết văn bản yêu cầu, đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của TANDTC; nghiên cứu đề xuất việc xem xét, giải quyết kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ phiên họp, phiên tòa xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; kiểm tra nghiệp vụ công tác giải quyết xét xử của các Tòa án; thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổng kết thực tiễn xét xử, đề xuất án lệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về tố tụng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Chánh án TANDTC
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự còn có nhiệm vụ theo dõi công tác thi hành án hình sự trong TAND; thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án tử hình, thi hành án hình sự, đại xá, đặc xá theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch, báo cáo các vụ, việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Tổ chức lại Ban Thanh tra thành Thanh tra TANDTC
Thông tư quy định, Thanh tra TANDTC có chức năng tham mưu, giúp Chánh án TANDTC trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong TAND.
Các đơn vị thuộc Thanh tra TANDTC gồm: Phòng Thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ; Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thanh tra TANDTC có nhiệm vụ, quyền hạn gồm: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong TAND trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham mưu xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp về nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, quản lý công chức, viên chức, người lao động trong TAND; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động trong TAND theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền hoặc chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức và hoạt động của TAND; Quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TANDTC, trừ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật tố tụng; Quản lý, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; hướng dẫn thực hiện về minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Chánh án TAND cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc thẩm quyền theo phân cấp; thanh tra lại vụ việc đã được Chánh án TAND cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Chánh án TANDTC; Thực hiện báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Chánh án TANDTC.