Phóng sự - Ghi chép

Tiếng khèn gọi Xuân

Gia Ân - Hải Yến 23/01/2025 - 09:11

Từ bao đời nay, điệu múa, tiếng khèn, tiếng hát cự xia đã trở thành hồn cốt trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Trải qua bao thăng trầm, những âm thanh, giai điệu ấy không chỉ là bài ca lao động, là tâm tư, tình cảm mà còn là lịch sử tộc người, là cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc trên đỉnh núi cao.

Dòng chảy tinh hoa văn hóa tiếp nối qua bao thế hệ

Về Tây Sơn những ngày này – nơi được mệnh danh là "cổng trời" của huyện Kỳ Sơn, mây mù bao phủ bốn mùa, được ví như Sa Pa trong lòng xứ Nghệ vào những ngày giáp Tết, đã thấy ngập tràn sắc hoa, đã nghe tiếng khèn vui rạo rực.

Sắc hoa đào hồng phấn đón những người con bản xứ về quê ăn Tết, sắc hoa cải vàng bên lối mòn dẫn người lên nương rẫy... Tiếng khèn, tiếng sáo hòa cùng tiếng hát cự xia vang lên từ trường học, từ nhà văn hóa bản, từ bên mỗi nếp nhà. Tiếng khèn vui dìu dặt, trầm bổng như khiến người nghe hưng phấn, rạo rực hơn.

11.jpg
Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng người có nhiều đóng góp trong Bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đều đặn, cứ tối thứ 7 hàng tuần, sau những ngày lên nương rẫy, các thành viên câu lạc bộ Văn nghệ quần chúng lại tụ họp về nhà văn hóa xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) để tập luyện, trao đổi kinh nghiệm về dân ca, dân vũ và thổi khèn Mông.

Xã Tây Sơn cách trung tâm thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn khoảng 10km, toàn xã có 6 bản với 338 hộ, 1783 khẩu chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống. Hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng.

45735a09-5419-42e0-a0dd-f30a5f2f016b.jpg
CLB nghệ thuật quần chúng xã Tây Sơn, tham gia nhiều hoạt động cấp tỉnh, huyện đạt thành tích cao.

Tây Sơn là mảnh đất "trù phú", là mạch nguồn của nền văn hoá đặc sắc. Với người Mông, tiếng sáo, tiếng khèn không chỉ là âm thanh, mà còn là tâm tình ẩn giấu, là dòng chảy tinh hoa văn hóa nối tiếp qua biết bao thế hệ.

Năm 2022, Tây Sơn là một trong ba câu lạc bộ Văn nghệ quần chúng cấp huyện đầu tiên được UBND huyện Kỳ Sơn vận động thành lập với 20 thành viên biết hát, múa và thổi khèn Mông.

Từ những thành viên ban đầu là những người lớn tuổi, đến nay câu lạc bộ đã thu hút thêm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau và nhân rộng đến các trường học trên địa bàn xã. Mỗi bản đều có ít nhất 1 đội văn nghệ quần chúng biểu diễn mỗi dịp lễ, Tết…

Ông Vừ Lầu Phổng, Nghệ nhân ưu tú, sinh sống tại bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn là một trong những người có vai trò cốt cán của câu lạc bộ. Ông Phổng được bà con ca ngợi là “người giữ lửa” đầy đam mê và nhiệt huyết đang từng ngày sáng tạo, lưu giữ và trao truyền giá trị bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ.

Lan tỏa để điệu khèn vang xa

Với ông Vừ Lầu Phổng, tiếng khèn đã thẩm thấu vào tâm hồn từ thuở còn nằm nôi, nằm địu trên lưng mẹ, cùng cha lên nương rẫy. Nhưng mãi đến năm lên 10 tuổi, ông mới chính thức trở thành “bạn tâm giao” với chiếc khèn. Niềm đam mê nhạc cụ truyền thống cùng tài năng thiên bẩm đặt nền móng vững chắc để ông Phổng gắn bó với cây khèn đã hàng chục năm qua.

33.jpg
Tiếng khèn rộn ràng, náo nức trong những ngày vui, lễ hội.

Ông Vừ Lầu Phổng chia sẻ: “Với người Mông, nghệ thuật múa khèn là một đặc trưng văn hóa đặc biệt có tính thẩm mỹ, nhân văn cao, như là hồn là cốt của mình. Những ngày đầu mới thành lập, cán bộ văn hóa huyện và xã đã phối hợp hỗ trợ câu lạc bộ xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; mời các thành viên tham gia các khóa tập huấn về biểu diễn nghệ thuật quần chúng do huyện và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức”.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia làm Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng và gần như dành trọn cả cuộc đời với tiếng khèn Mông của cộng đồng, ông Vừ Lầu Phổng đã cùng các thành viên, nhân dân trong xã tham gia nhiều liên hoan, hội diễn Văn nghệ quần chúng và đạt được nhiều thành tích, giải thưởng, giấy khen, bằng khen từ cấp trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Vào những ngày lễ, Tết, mọi người lại gặp gỡ, giao lưu giữa các đội với nhau… Nội dung các bài hát dân ca, tiết mục giao lưu phong phú, đa dạng như: bảo vệ môi trường, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa...

Bà Cụt Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kỳ Sơn, cho biết: Những năm gần đây “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” diễn ra sôi nổi, đem lại sức sống mới, tinh thần mới cho bà con miền sơn cước. Câu lạc bộ văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân đủ thành phần, lứa tuổi tham gia.

Qua đó, vai trò của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định. Người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Đặc biệt góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trât tự, giữ vững danh hiệu “xã sạch về ma túy”.

22.jpg
Các em học sinh đang được nghệ nhân Vừ Lầu Phổng truyền dạy múa khèn.

Trên những bản làng người Mông ở khắp các huyện vùng cao miền Tây xứ Nghệ như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... tiếng khèn, điệu múa khèn từ lâu đã trở thành một phần hồn cốt của dân tộc. Tiếng khèn rộn ràng, náo nức trong những ngày vui, lễ hội, đám cưới… và trầm buồn khi có đám tang, đám hiếu…

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Vì vậy, trải qua bao thăng trầm, tiếng khèn vẫn được giữ gìn, lưu truyền và lan tỏa để vang xa trong cộng đồng người Mông ở huyện miền núi rẻo Kỳ Sơn (Nghệ An) .

Gia Ân - Hải Yến