Những người đi thắp sáng vùng cao
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 21/11/2017
Băng rừng lội suối vận động học trò
Nậm Vì là một trong những xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cả xã có 7 bản, với xấp xỉ 500 hộ, gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Mông (chiếm 90% dân số) và người Thái. Đời sống của đồng bào ở đây phụ thuộc nhiều vào nương, rẫy, giao thông đi lại hết sức khó khăn, có những bản như Cây Sổ nằm xa trung tâm xã đến 20-25km. Cách đây hơn 10 năm, khi mới nhận quyết định về đây công tác, ngoái nhìn về bốn phía đều thấy núi rừng vây bủa, cô giáo Lò Thị Hải đã khóc. Bản xa quá, heo hút quá, từ huyện vào tới mấy chục cây số, đường nhựa chỉ có một nửa, còn lại là đường mòn treo trên miệng vực, sóng điện thoại thì không có, Hải như sống tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Để giao tiếp với học trò, những cô giáo như Huệ phải học cả tiếng Mông, hoặc Tày, Dao, Thái...
Bản nhỏ chỉ có vài chục nóc nhà, chủ yếu là người Mông. Bà con mang đến gửi Hải 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ vừa đủ tuổi vào lớp 1, tất cả đều chưa đứa nào nói được tiếng phổ thông. Mấy ngày đầu, công việc đầu tiên của Hải là tắm rửa, chải đầu, vệ sinh và dạy cho lũ trẻ bỏ thói quen dùng tay quệt mũi. Nhưng cũng chỉ vài hôm, đám học trò của Hải đứa nhớ mẹ, đứa nhớ em đòi về, có hôm lớp còn đúng 3 em. Không nản chí, Hải hỏi thăm đường rồi lặn lội đến từng nhà để vận động các em đi học. Thấy cô giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên. Con chữ cứ thế thấm dần vào bọn trẻ. Chừng hơn một tháng, học trò bám Hải hơn bố mẹ, cô không còn phải tới từng nhà vận động….
Hải kể: “Ngày đó, bản làng còn nghèo khó, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, gần như không thể đi được xe, chỉ có thế “cuốc bộ”. Ở đây, em không chỉ phải dạy chữ, gọi học sinh đi học mỗi ngày mà còn cùng người dân làm việc đồng, hướng dẫn người dân cách chăm con, vừa phải tranh thủ học tiếng dân tộc… Kể cả khi em lập gia đình, sinh con thì nhiều tối vẫn phải nhờ hàng xóm trông giúp để đi dạy xóa mù chữ cho đồng bào, có hôm đến tận 11 – 12h khuya mới về. Từ lúc thằng bé nhà em lớn lên một chút thì gửi về xuôi cho bà ở dưới TP. Điện Biên Phủ trông hộ, chứ ở trên này điều kiện chăm sóc không có, ăn uống kham khổ, nhìn con tội lắm”.
Vừa trò chuyện, Hải vừa làm cơm đãi khách. Tất cả chỉ có mấy con cá khô chao mỡ cùng quả mướp xào vội. Chỉ cần nhìn cũng đủ biết cuộc sống của cô ở đây nó thiếu khó nhường nào. Người lớn đã vậy, còn trẻ con biết chăm bẵm ra sao? Hải bảo, trung bình mỗi năm cô chỉ được về vài ngày để thăm chồng, thăm con. Mỗi kỳ nghỉ hè, được đoàn tụ với gia đình là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Hải. Chính vì lo sinh con sẽ vất vả cho chồng, cho gia đình, nên đứa con đầu của Hải gần vào lớp 3, cô mới dám nghĩ đến chuyện mang thai đứa thứ 2. Bên cạnh chuyện gia đình, con cái, Hải còn trăn trở về cuộc sống cơ cực, khốn khó của học sinh.
“Các em ở đây phần lớn đều có gia cảnh nghèo, ăn không đủ no, mùa rét không đủ áo ấm. Cô Hải còn nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở và đồ dùng học tập, quyên góp quần áo, chăn màn cho học sinh, đến tận từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên các em đi học. Đến nay, đã có nhiều thế hệ học sinh của cô trưởng thành, nên người”, Phó Chủ tịch xã Nậm Vì Tống Văn Khi chia sẻ.
Theo Hải thì nếu như ở thành phố, các em 4- 5 tuổi là đã có thể học nhận biết mặt chữ, các con số. Còn ở đây việc quan trọng nhất đối với cô giáo là làm cho các em yêu thích lớp học, đồng thời dạy các em nói, nghe và hiểu được tiếng phổ thông. So sánh như vậy mới thấy việc dạy và học nơi đây còn khoảng cách rất lớn khó bề rút ngắn về môi trường và vật chất để thầy và trò của điểm trường có được một chất lượng giáo dục như vùng đồng bằng.
“Để các em thường xuyên đến lớp học như ngày hôm nay, em chỉ có một phần công sức thôi, chứ đó là công sức của nhiều lớp thầy cô giáo đi trước đã bám trường, bám bản vận động người dân cho con em đi học. Chúng em bây giờ thấy “hạnh phúc” rồi, vì ngày nay trong bản đã có phong trào học, cha mẹ và các em học sinh đều có nguyện vọng cho con đến lớp”, Hải tâm sự.
Thiếu khó trăm bề
Cũng người miền xuôi lên vùng cao dạy học, nhưng cô giáo Đặng Thị Huệ lại may mắn hơn Hải. Cô được ở cùng với chồng con. Giờ, khi đến xã giáp biên Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, Hà Giang), đồng bào vẫn thường kể về chuyện tình đẹp giữa cô giáo và một chàng trai của bản. Huệ gốc gác ở Quảng Xương, Thanh Hóa lên gắn bó với học sinh vùng cao từ hồi trường chỉ có 2 lớp học, thầy cô giáo phải tạm trú ở trạm biên phòng. Chuyện tình yêu cô giáo Huệ với chàng trai người Nùng tên Sân Sài Sồ là cả một thiên tình sử lãng mạn. Trước Sân Sài Sồ làm đủ nghề từ làm ruộng, làm rẫy rồi đi buôn vặt. Nghề gì cũng lận đận cho đến khi anh quyết tâm đi học lại và thành thầy giáo. Huệ yêu chàng trai người Nùng này bởi cảm cái ý chí của anh và Sồ yêu Huệ cũng vì thương cô gái Kinh can đảm vác chữ lên non khai sáng giúp đồng bào.
Dù cuộc sống thiếu thốn trăm bề, Hải vẫn kiên trì bám trường, bám lớp
Lúc đầu khi nghe chuyện tình của Huệ và Sồ bà con trong bản người Nùng Na Lình bàn tán ghê lắm. Chẳng biết cô giáo có nhập gia tùy tục với người Nùng được không? Cái tay nó nhỏ và mềm như những búp măng trúc mới mọc thế kia chẳng biết vác nổi cuốc, đeo nổi quẩy tấu lên nương không?... Tình yêu có lý lẽ của nó, Huệ và Sồ vẫn quyết định gắn bó suốt đời với nhau. Thời gian đã chứng minh “Cô giáo Kinh cũng biết... làm dâu”. Giờ thì bà con dân bản, nhà chồng đã hết lòng yêu quý Huệ.
Ở đây, giữa vùng rặt người Mông, chẳng mấy ai nói nổi vài câu tiếng Kinh cho sõi nên nhiều khi nỗi nhớ quê kèm theo nỗi nhớ tiếng mẹ đẻ vì cả tháng không được nghe, không được nói. Lắm lúc thèm được nghe một hai câu giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng Kinh mà Huệ phải đi bộ vài tiếng đường núi ra tận trung tâm xã hay sang các điểm trường gần đó còn không chỉ thỉnh thoảng lẩm bẩm nói với bóng mình trên cái liếp tre bên ngọn đèn dầu lù mù khói.
Huệ kể, có lần cô đến một gia đình để vận động cho con đi học, nhưng ông bố, bà mẹ nhà đó nhất quyết không chịu. Họ muốn con mình ở nhà lấy củi, cắt cỏ bò bèn giấu biệt thằng lớn nơi xó buồng rồi lôi đứa em ra bảo: “Mày xem! Nó còn nhỏ lắm, cao chưa bằng cây ngô mới trồng hơn tháng, làm sao mà học được cái chữ? Nhìn thấy đứa bé cũng nhỏ thật, Huệ nghĩ “cơ sở” báo nhầm tuổi. Dù vẫn hồ nghi, nhưng cô vẫn phải nhỏ nhẹ xin phép ra về. Sau vài buổi đi lại, cô mới phát hiện nhà đó có hai đứa con trai. Hai anh em mặt mũi giống nhau như tạc. Huệ đem chuyện đó hỏi thẳng phụ huynh. Lúc đầu họ cũng bối rối lắm nhưng cuối cùng trước sự phân tích kiểu “cái chữ cũng quan trọng chẳng kém gì bao ngô giống, cái quẩy tấu lúa” nên họ mới bị thuyết phục, đồng ý cho con đi học.
Huệ bảo: “Khó khăn, gian khổ là thế, nhiều khi việc vận động đi học phải nhờ cả bộ đội biên phòng dẫn đường vì các anh quen với đồng bào, lại có cái sao, cái vạch trên vai, uy nghiêm, dễ bề ăn nói. Thuyết phục được đến trường rồi, làm thế nào để các em thích đi học hơn đánh quay, tung còn, ném pao, múa khèn lại càng là bài toán khó. Người Mông quen sống trên đỉnh núi cao chót vót, mùa khô, giọt nước quý hơn vàng nên vài tháng không tắm cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Việc đầu tiên sau khi gom học sinh đến trường là các thầy cô phân công nhau bê từng chậu nước thật đầy nhất có thể, bảo các em xếp hàng rồi lần lượt người rửa tay, rửa mặt, người gội đầu, chải tóc cho các em. Lắm đứa, đầu đầy nhóc chấy”.
Nghĩa Thuận có tới 8 điểm trường, điểm trường xa nhất ngày nắng đi bộ từ trung tâm xã vào mất 4-5 tiếng, ngày mưa thì nội bất xuất, ngoại bất nhập. Từ đồn biên phòng Nghĩa Thuận, phải vượt đỉnh Phìn Chư, cao hơn 1.300m mới đến được điểm trường. Ở đây, rặt một đặc sản mây mù và những ngọn gió thổi u u suốt ngày đêm này. Trường học và nhà ở của giáo viên đều được làm theo kiểu nhà trình tường, đất đắp dày cả nửa mét trông như lô cốt. Mỗi khi thấy người lạ, học sinh trong các lớp tùa ra, vây kín lối. Đứa nào, đứa nấy mặt mũi lấm lem, có em mặc độc chiếc áo cộc, bên dưới ở... truồng dù mùa đông trên núi rét thấu xương.
Khó khăn, xa xôi, cách trở, thiếu khó trăm bề như thế nhưng Hải, Huệ hay hàng ngàn hàng vạn giáo viên vùng cao vẫn kiên trì, lặng lẽ bám làng, bám bản, bám trò. Cứ thế, các thầy các cô đã và đang hàng ngày, hàng giờ mang ngọn lửa tri thức thắp sáng vùng cao.