Phóng sự - Ghi chép

Sắc Xuân về trong từng chiếc bánh

Gia Ân 21/01/2025 - 07:40

Đơn hàng tăng vọt dịp cận Tết, các hộ dân sản xuất bánh đa tại làng nghề Đông Nhật đang chạy đua với thời gian để phục vụ thị trường dịp Tết.

Hàng năm, cứ đến tháng chạp (tháng 12 Âm lịch), những gia đình ở làng nghề bánh đa Đông Nhật (xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại ăn ngủ cùng với nghề để kịp đơn hàng phục vụ thị trường Tết. Đây là nghề truyền thống đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

anh-2-2-.jpg
Bánh đa được làm từ gạo, vừng đen, có hình vuông.

Là người có nhiều năm làm nghề, ông Đinh Văn Cường chia sẻ, trước đây, làm bánh đa rất vất vả vì phải dùng nồi tráng thủ công. Nhưng hiện nay gia đình đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất đáng kể.

Những ngày cuối năm giáp Tết, đơn hàng tăng gấp 3 lần ngày thường, nên họ phải tăng ca để đáp ứng nhu cầu. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông tráng khoảng 2 tạ gạo, sản xuất hơn 3.000 chiếc bánh đa.

Bánh đa Đông Nhật được làm từ gạo và vừng đen, mang hình dáng vuông độc đáo. Gạo sau khi ngâm từ tối hôm trước sẽ được xay nhuyễn, chuẩn bị cho công đoạn tráng bánh từ 4 giờ sáng. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được mang ra phơi trên các giàn phên tre truyền thống.

anh-1.jpg
Dịp Tết, đơn hàng tăng nên các hộ dân ở làng bánh đa Đông Nhật tất bật làm việc.

Theo bà Bạch Thị Yến (SN 1973), phơi bánh là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Nếu trời nắng, bánh chỉ cần phơi khoảng 2 tiếng là đạt độ khô chuẩn.

Nhưng vào mua đông lạnh, ít nắng thời gian phơi có thể kéo dài 3-4 tiếng. Trời càng nắng, bánh càng nhanh khô, thơm ngon và giữ được độ dẻo dai khi nướng.

Tại làng nghề bánh đa, những giàn phơi bánh trở thành biểu tượng của làng. Họ phải túc trực thường xuyên bên những giàn phơi để căn thời gian thu bánh hợp lý. Vì nếu để bánh phơi lâu quá chúng sẽ giòn, cong vênh và khó đóng gói hoặc nướng. Do đó, việc phơi bánh nghe đơn giản nhưng cũng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm.

Làm bánh đa phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Những năm gần đây, người dân đã đầu tư thêm máy móc để tăng năng suất.

Dù đã có máy móc hiện đại giảm bớt gánh nặng lao động, nhưng ở một số công đoạn, người dân làng Đông Nhật vẫn làm thủ công để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Quy trình sản xuất bánh đa đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả gia đình.

Cụ thể, dây chuyền sản xuất cần hai người chuyên vận hành máy tráng bánh và rải bánh lên phên. Hai người khác sẽ phụ trách vận chuyển bánh ra phơi. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm sự chịu khó, nhanh nhẹn để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.

Bánh đa sau khi được phơi chuẩn sẽ gom lại, đóng gói thành từng tệp và giao ngay cho các thương lái hoặc khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Bánh đa Đông Nhật không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân địa phương, mà còn được ưa chuộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ tăng cao khiến số lượng bánh làm ra không đủ để đáp ứng thị trường.

anh-3.jpg
Công đoạn phơi bánh rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bánh đa.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết, làng nghề bánh đa Đông Nhật không chỉ góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ dân. Những ngày cuối năm là mùa sản xuất cao điểm nên bà con đều tất bật làm nghề để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngày Tết, những chiếc bánh đa thơm ngon, giòn rụm không chỉ là sản phẩm kinh tế, mà còn mang hương vị quê hương, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Gia Ân