Đời sống

Nuôi lợn bằng chè xanh tại Thái Nguyên và bài học kinh nghiệm "nâng tầm" cho nông sản Việt

Trang Nguyễn - Hải Nam 15/01/2025 18:58

Việc triển khai mô hình nuôi lợn bằng chè xanh tại Thái Nguyên đã giúp lợn nhanh lớn, tăng sức đề kháng và chất lượng thịt thơm ngon. Không chỉ vậy, từ mô hình "nuôi lợn bằng chè xanh" được xem như một bài học kinh nghiệm độc đáo trong việc "nâng tầm" cho nông sản Việt Nam.

z6247398887198_d46afe788aae4ee59d9c06ace5ae7d24.jpg

Bài 2: Khi "3 nhà" chung tay vào cuộc

Mô hình nuôi lợn chè xanh tại Thái Nguyên là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp hiệu quả giữa "3 nhà" là: Nhà nước, nhà khoa học và người dân. Từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm đến triển khai thực tế, mỗi bên đều đóng vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo sự thành công của dự án.

Sự đồng hành của "3 nhà"

Nông dân không chỉ là người áp dụng, mà còn là đối tác quan trọng trong việc cung cấp thông tin thực tế từ quá trình thử nghiệm. Điều này giúp các nhà khoa học điều chỉnh khi áp dụng thực tiễn tại địa phương để từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất.

Mô hình thử nghiệm nuôi lợn thực hiện tại trại chăn nuôi của ông Trần Đức Minh ở xóm 4 (xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) với tổng số 50 con lợn. Khi bắt đầu tham gia vào dự án, ông Minh cùng một số hộ gặp khó khăn trong việc làm quen với quy trình ủ men vi sinh và chế biến thức ăn.

lonnuoibangchexanhthainguyen-1.jpg
Để chế biến ra thành phẩm cuối cùng trở thành thức ăn chăn nuôi lợn, ngay từ đầu chè xanh cũng đã phải đạt tiêu chuẩn VietGAP

Sau đó, ông Minh được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trộn ủ thức tự nhiên trước khi cho lợn ăn. Theo đó, bột lá chè xanh Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 3%, còn lại là cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng chất, vitamin tổng hợp, các thành phần dinh dưỡng khác được ủ men vi sinh…

Bột chè xanh được sản xuất từ lá chè sấy khô, rồi nghiền nhỏ, sau đó được bổ sung vào nguyên liệu ủ thức ăn tự nhiên cho lợn như đã được tập huấn. Nuôi lợn bằng trà xanh khác với chăn nuôi thông thường là phải nuôi hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên và phải ủ lên men trước giúp lợn dễ ăn, dễ tiêu hóa hơn, ông Trần Đức Minh chia sẻ.

Bên cạnh việc tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) và chính quyền các địa phương tư vấn, giới thiệu cho các hộ gia đình những nguồn cung cấp giống lợn uy tín trong nước, địa chỉ cung cấp bột trà xanh an toàn.

1920x1080-5.png
Mỗi khu vực nuôi lợn ăn chè xanh đều được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra và kiểm định chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quy định của đề án. Mỗi hộ gia đình đều được tập huấn các bước trước khi đưa vào chăn nuôi thực tiễn.

Bà Đào Thị Thức - Giám đốc HTX chè Nhật Thức tại xã Phục Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết đã nhận được “đặt hàng” cung cấp bột chè xanh cho một số hộ dân tham gia mô hình này. Với kinh nghiệm và sự đầu tư bài bản trong sản xuất chè hữu cơ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, HTX chè Nhật Thức được lựa chọn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các hộ dân tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh tại Thái Nguyên.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về các sản phẩm nông nghiệp xanh, bà Thức cho biết HTX Nhật Thức đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo hướng VietGAP trên diện tích 17,2ha. Bên cạnh đó, HTX đang mở rộng thêm 3ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo tính an toàn và thân thiện với môi trường.

Định lượng cụ thể bằng khoa học

Ông Hoàng Đức Vỹ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cho biết, từ ý tưởng của Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng với mục tiêu khai thác triệt để ưu thế của vùng nguyên liệu chè Thái Nguyên góp phần nâng cao giá trị của đàn gia súc, gia cầm; Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) đã cho ra đời đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên”.

lonnuoibangchexanhthainguyen-15.jpg
Ông Hoàng Đức Vỹ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên

Dự án được triển khai từ tháng 6/2023 với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã triển khai xong giai đoạn 1: Nghiên cứu thí nghiệm trên 72 con, gồm 2 giống lợn: Lợn đen bản địa và lợn ngoại, với 4 lô thí nghiệm/1 giống lợn (9 lợn/lô thí nghiệm), tương ứng với các mức bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên là: 0%, 1%, 3% và 5%.

Sau 6 tháng nuôi thí nghiệm, đã tiến hành mổ khảo sát, phân tích đánh giá chất lượng và năng suất thịt theo quy định. Trọng lượng đối với lợn ngoại thương phẩm đạt trung bình 108,54 kg; lợn đen bản địa đạt trung bình 46,59 kg; tỷ lệ nuôi sống đến kỳ xuất chuồng đạt 100%.

lonnuoibangchexanhthainguyen-1.3.jpg
Đã mạnh dạn đi đầu trong việc chăn nuôi lợn theo phương thức mới, giờ đây mỗi ngày người dân đều vui mừng vì những nỗ lực và thành quả của mình

Qua phân tích, về đặc điểm thân thịt, tỷ lệ móc hàm tăng từ 1,04% đến 1,79%; độ dày của mỡ lưng giảm từ 2,31 đến 5,59 mm; tỷ lệ nạc tăng từ 1,37 % đến 3,99%; tỷ lệ mỡ giảm từ 8,36% đến 8,42%. Về chất lượng thịt lợn, theo kết quả phân tích độ pH của cả 4 lô thí nghiệm đều đạt từ 5,5 đến 6,5 đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ mất nước sau bảo quản và sau chế biến thấp hơn từ 0,53% đến 0,64%; khả năng giữ nước và độ tươi của thịt ở lô 3%, 5% sẽ được đảm bảo và kéo dài hơn.

Về thành phần hóa học, tỷ lệ protein của lô thí nghiệm 3%, 5% cao hơn so với lô đối chứng từ 1,33% đến 1,79%, không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng trong thịt lợn ở các lô thí nghiệm, chỉ tiêu vi sinh vật thịt tươi đảm bảo trong giới hạn theo tiêu chuẩn thịt tươi theo TCVN 12429-1:2018...

Chất lượng thịt lợn đã được phân tích, đánh giá bài bản, định lượng cụ thể bằng khoa học chứ không phải định tính chung chung. Lợn nuôi từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu bột chè xanh cho tỷ lệ thịt chất lượng tốt hơn so với phương pháp nuôi thương thương. Đặc biệt, thịt lợn không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên nói.

Theo ông Hoàng Đức Vỹ, dự án cũng đã xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật, gồm quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho lợn thịt từ thức ăn tự nhiên bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên.

Sau khi thành công ở giai đoạn 1, sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để xây dựng mô hình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 16 hộ dân thuộc 8/9 huyện, thành phố đăng ký nuôi 1.300 con lợn (trong đó lợn đen bản địa 510 con, lợn ngoại thương phẩm 790.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với quy trình chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn có bổ sung chè xanh Thái Nguyên, từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho trà Thái Nguyên, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên, ông Hoàng Đức Vỹ chia sẻ.

Trang Nguyễn - Hải Nam

Bài 3: Bài học kinh nghiệm về "nâng tầm" nông sản Việt

Trang Nguyễn - Hải Nam