Vấn đề quan tâm

Đề xuất gấp đôi mức xử phạt nếu tái phạm hút thuốc lá điện tử

Nguyễn Cúc 15/01/2025 13:49

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó đề xuất người tái phạm hành vi hút thuốc lá điện tử sẽ bị phạt gấp đôi.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

thumbnil.png
Hình minh họa

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất mức phạt với vi phạm quy định sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại (1) nêu trên đối với hành vi tái phạm.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định nêu trên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng;

b) Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Bộ Y tế cho biết hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo; tại điều 90 và 91 Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ Y tế cho biết kết quả điều tra trong những năm qua về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi, giới tính cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng. Đặc biệt, có xu hướng gia tăng sử dụng sản phẩm này ở trẻ em gái.

Thuốc lá điện tử có giá rất rẻ, vài chục nghìn cũng có thể mua được; việc mua bán dễ dàng, diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội, các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học, do đó các em dễ dàng sở hữu các sản phẩm này.

Các thông tin quảng cáo, tiếp thị của các công ty thuốc lá điện tử gây hiểu nhầm cho người sử dụng như có công dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, giảm phơi nhiễm, giảm hại… Thậm chí, có công ty còn sử dụng hình ảnh thần tượng của giới trẻ để quảng bá các sản phẩm này.

Theo Bộ Y tế, đây là điều cực kỳ đáng báo động trong giới trẻ vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotin và nghiện ma túy do tình trạng "núp bóng" thuốc lá điện tử trộn ma túy.

Nguyễn Cúc