Áp thấp nhiệt đới giật cấp 12, có khả năng mạnh lên thành bão số 13
Đời sống - Ngày đăng : 15:45, 09/11/2017
Áp thấp nhiệt đới tiếp tục mạnh thêm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 09/11 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Dự báo: Trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 780km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông từ gần sáng và ngày mai (10/11) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Khắc phục hậu quả cơn bão số 12
Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài cho biết, bão và mưa lũ sau bão đã làm 91 người chết, 23 người bị thương tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Bão lũ cũng làm đổ, sập gần 1.500 ngôi nhà; gần 120.000 nhà bị tốc mái; gần 26.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thi hại; gần 1.300 tàu cá bị đánh chìm, hư hỏng và đặc biệt tới 8 tàu vận tải bị chìm tại Bình Định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
Về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp, hiện 8 tỉnh đề nghị hỗ trợ 31.745 tấn gạo, trong đó Quảng Trị 2.000 tấn, Thừa Thiên - Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 500 tấn, Quảng Ngãi 1.500 tấn, Bình Định 1.000 tấn, Phú Yên 500 tấn, Khánh Hòa 25.000 tấn, Đắc Lắc 245 tấn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ được phân công cử ngay các đoàn công tác để trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng bão lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị người dân cần bao nhiêu thì xuất cấp hỗ trợ từng đó, các địa phương, bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất để tổ chức cấp phát. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong quá trình khắc phục hậu quả bão lụt, tổ chức lực lượng để tìm kiếm người mất tích.
Ngoài ra Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục toàn bộ hệ thống điện, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa; điều hành nguồn hàng, cung cấp về các khu vực có biểu hiện tăng giá để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá trục lợi, trong đó phối hợp với Bộ Xây dựng để kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời xuống các tổ chức tín dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hồ đập thủy điện và thủy lợi hiện đã đầy nước, nguy cơ mất an toàn rất cao, trong bối cảnh, mưa lũ còn phức tạp nên cần giải pháp ứng phó kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các bộ, ngành địa phương để triên hành trục vớt tàu chìm ở Bình Định, ngặn chặn sự cố tràn dầu.