Đời sống

Hàng trăm đơn giải cứu công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài

Chu Phương - Kim Sáng 14/01/2025 - 15:06

Đến hết tháng 11/2024, Sở Ngoại vụ TP.HCM tiếp nhận 199 đơn đề nghị hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài. Trong đó, có 43 trường hợp có hộ khẩu tại TP.HCM.

Mới đây, Công an TP.HCM thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo người Việt Nam sang Campuchia làm việc với chiêu bài “việc nhẹ lương cao” để thực hiện các hành vi phi pháp.

Theo Công an Thành phố, thời gian qua, nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM đã bị dụ dỗ bởi các lời mời làm việc hấp dẫn, hứa hẹn công việc nhẹ nhàng với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Thế nhưng, thực tế khi đến Campuchia, họ bị giam giữ, ép buộc lao động khổ cực hoặc tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Những người muốn trở về phải liên hệ gia đình chuyển tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu không, họ bị đánh đập, bỏ đói hoặc bán sang các công ty khác để tiếp tục bóc lột.

Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, cơ quan này đã tiếp nhận 199 đơn đề nghị hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài. Trong số đó, có 43 trường hợp có hộ khẩu tại TP.HCM.

Đặc biệt, chỉ trong hai ngày 11 và 12/12/2024, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 410 công dân Việt Nam bị phía Campuchia tạm giữ vì nhập cảnh trái phép hoặc làm việc bất hợp pháp.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phần lớn các nạn nhân làm việc tại những tổ chức do người Trung Quốc điều hành, núp bóng các công ty hoặc trung tâm lừa đảo trực tuyến.

Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để đăng tin tuyển dụng hoặc trực tiếp tiếp cận người lao động. Chúng vẽ ra viễn cảnh việc nhẹ, lương cao, không cần kinh nghiệm hay kỹ năng, nhưng khi đến Campuchia, các nạn nhân bị ép làm việc trong các sòng bạc, trung tâm lừa đảo.

Các hoạt động lừa đảo phổ biến gồm dụ dỗ người tham gia đánh bạc trực tuyến, giả danh công an hoặc viện kiểm sát để lừa đảo qua điện thoại, đánh cắp tài khoản mạng xã hội để nhắn tin chiếm đoạt tài sản, hoặc cài phần mềm độc hại để rút tiền từ tài khoản ngân hàng.

a-nh-3-ha-p-a-n.jpg
Họp chuyên án về nhằm đấu tranh với loại tội phạm mua bán người.

Nạn nhân bị giám sát chặt chẽ, không được sử dụng điện thoại cá nhân ngoài mục đích phục vụ công việc lừa đảo. Nếu không làm theo yêu cầu, họ bị đánh đập, bỏ đói và đe dọa.

Nhiều trường hợp, các đối tượng yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng để "mua tự do" cho nạn nhân. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình đã chuyển tiền, một số người vẫn bị bán cho các tổ chức khác để tiếp tục bị bóc lột.

Do đó, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các tin tuyển dụng việc làm qua mạng, đặc biệt là những lời mời gọi làm việc ở nước ngoài với mức lương cao bất thường. Người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nên liên hệ với các công ty và trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp. Nếu có nhu cầu xuất khẩu lao động, cần tham khảo các đơn vị có uy tín và được Nhà nước cấp phép.

Gia đình của các nạn nhân khi nhận được thông tin yêu cầu chuyển tiền chuộc, cần bình tĩnh xác minh lại thông tin, trình báo cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ.

Công an TP.HCM kêu gọi các cơ quan, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo, hỗ trợ người lao động nghèo tiếp cận các chương trình việc làm an toàn và hợp pháp.

Đồng thời, khẳng định sẽ xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo, mua bán người.

Với những tập thể, cá nhân tích cực cung cấp thông tin có giá trị giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ việc sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Chu Phương - Kim Sáng