Bộ trưởng Bộ Công an lên tiếng về quyết định bỏ sổ hộ khẩu
Đời sống - Ngày đăng : 13:07, 06/11/2017
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Chính phủ đã quyết định bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Bộ Công an sẽ sớm tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ đến việc bỏ sổ hộ khẩu và các nội dung liên quan đến nghị quyết 112 của Chính phủ.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Trước câu hỏi về việc bỏ sổ hộ khẩu có đồng nghĩa với bỏ hình thức quản lý dân cư bằng đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, người đứng đầu ngành Công an cho hay: “Đã là Nhà nước thì sẽ có cách quản lý chứ không phải ai muốn ra, muốn vào cũng được. Nhưng về giấy tờ sẽ đơn giản hoá thủ tục, không phải bỏ giấy tờ là bỏ quản lý, nguyên tắc là thế”.
Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm: "Cơ quan Công an sẽ có các biện pháp, cách thức mới nhưng nguyên tắc cơ bản là với giấy tờ, thủ tục sẽ đơn giản hóa tối đa nhưng không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Còn hình thức quản lý mới thế nào thì sẽ làm cụ thể, với nhiều hình thức khác nhau".
Trước đó, như Báo Công lý thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị bãi bỏ từ ngày 30/10/2017
Cụ thể, Chính phủ thông qua phương án bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Giao Bộ Công an căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ.
Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú cũng được bãi bỏ.
Tương tự, với phương án được Chính phủ thông qua, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ.
Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" và "giấy chứng minh nhân dân", các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.
Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.
Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.
Theo Nghị định 137/2015/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30/10/2017.