Tây Nguyên thiệt hại nặng nề sau bão số 12
Đời sống - Ngày đăng : 20:41, 04/11/2017
Theo đó, về sự cố lưới điện, theo thông tin từ Văn phòng thường trực PCTT Bộ Công Thương rất nhiều nơi đã xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng như tỉnh Kon Tum; Gia Lai; Đăk Lắk; Đăk Nông…Hiện ngành điện lực đang tập trung tối đa nhân lực để khắc phục, sửa chữa.
Tại Lâm Đồng:
Trước những diễn biến của cơn bão số 12, Sở GD&ĐT đã thông báo tới toàn bộ các trường cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học trong ngày 4/11, riêng học sinh cấp tiểu học thì thứ 7 được nghỉ theo quy định.
Theo thống kê nhanh từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn có 3 người thiệt mạng do cơn bão số 12. Bão cũng làm hàng trăm căn nhà bị tốc mái và sập, một cây cầu dân sinh cũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Hàng ngàn héc ta hoa màu bị hư hỏng.
Tại Đắk Lắk:
Do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong những ngày qua đã có mưa to kéo dài, khu vực có mưa lớn gồm các huyện M’Đrăk, Lăk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, Ea H’leo với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến đạt từ: 200 - 300mm, có nơi trên 300mm, sức gió có nơi mạnh cấp 9, cấp 10.
Cây cầu số 14 (quốc lộ 26, xã Ea Trang, huyện Mdrak, tỉnh Đắk Lắk) bị nước nhấn chìm gần 1m khiến giao thông bị ách tắc.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Đắk Lắk về tình hình thiên tai do ảnh hưởng của bão số 12 trên địa bàn tỉnh tính đến chiều ngày 4/11.
Tại huyện M’Đrắk: Đã tổ chức di dời khoảng 100 hộ dân có nguy cơ bị ngập sâu tại Buôn Luếch, xã Krông Jin; hiện nay một số tuyến giao thông trên địa bàn bị chia cắt do nước suối dâng cao gây ngập sâu các ngầm tràn; một số nhà dân, trụ sở, trường học bị hư hỏng; ngầm tràn liên hợp Ea H’mlay xã Cư Prao bị cuốn trôi; nhiều diện tích hồ tiêu bị đổ trụ.
Huyện Ea Kar, đã có 14/16 xã phải cúp điện để đảm bảo an toàn do nhiều trụ điện bị đổ, hư hỏng; có 10 nhà bị tốc mái; 02 hộ dân phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập; thôn 11 xã Cư Yang có 23 hộ dân bị cô lập do cống qua đường bị cuốn trôi.
Nhà dân bị hư hỏng do gió lớn ở Đắk Lắk.
Huyện Krông Bông: Vùng Yang Mao, Cư Drăm có gió mạnh làm tốc mái một số nhà dân, làm đổ các lều trại; một số cột điện bị đổ, nghiêng không đảm bảo an toàn nên đã cắt điện tại khu vực này
Huyện Krông Năng: 4 nhà tốc mái; 1 nhà xây cấp 4 bị sập; một số diện tích cao su bị đổ gãy.
Tại Gia Lai:
Số liệu thống kê đến 16h ngày 4/11 cho thấy: đã có 5 huyện, thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến hàng ngàn héc ta hoa màu bị hư hỏng, hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, rất may đến thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại về người.
Cụ thể: Tại thị xã An Khê: Có một số cây xanh đường phố bị gãy đổ, hiện đang khắc phục. Còn thị xã Ayun Pa có 8 ha cây hoa màu và 13 hộ dân tại phường Sông Bờ bị ngập nhà cửa, hoa màu. Hiện số hộ dân bị ngập nhà cửa đã được di dời đến nơi an toàn.
Nước sông dâng lên cao ở Gia Lai
Huyện Krông Pa đã tổ chức di dời 20 hộ thuộc buôn Chính Đơn II, xã IaMlah ra khỏi vùng nguy hiểm lên trú tạm tại khu vực trường Lê Lợi và hỗ trợ nhân dân di dời tài sản (gồm 48 con bò và dê) lên khu vực cao để tránh lũ do nước xả của Hồ IaMlah không rút kịp. Bên cạnh đó, nhà dân sập và tốc mái hoàn toàn 5 nhà, tốc mái 1 phần: 33 nhà. Thiệt hại về sản xuất (úng ngập): Lúa: 25 ha; Sắn: 17 ha, Ngô: 9 ha, Mía : 523 ha đổ, Bò: 9 con, Dê: 6 con, Lợn 3 con (bị trôi và chết).
Huyện Mang Yang bị đổ 03 cây xanh đường phố tại thị trấn huyện; bị tốc mái trụ sở cũ của UBND xã Đê Ar.
Còn tại huyện Kông Chro: bị tốc mái 02 phòng trường mầm non; sập 30m tường rào của Phòng Tài chính – Kế hoạch; 06m tường rào của Phòng Văn hóa – Thể thao; sập hoàn toàn 06 nhà sàn, tốc mái 37 nhà.
Trước tình hình mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa bàn nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND các tỉnh, chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2017 đã được phê duyệt; tổ chức trực 24/24; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin; kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân để chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất; duy trì lực lượng, phương tiện triển khai ứng phó kịp thời khi có yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn về người và tài sản.